Dư luận gần đây liên tiếp đón nhận những thông tin lình xình từ thị trường bất động sản liên quan đến việc các chủ đầu tư huy động vốn theo kiểu bán nhà trên giấy. Để rồi, khi dự án không được thực thi, chủ đầu tư ôm tiền của khách hàng… mất hút. Người dân đã trót bỏ tiền ra giờ chỉ biết "bắc thang lên hỏi ông trời …”.
Đổ tiền vào dự án "ma”
Báo chí không ít lần phanh phui các trường hợp chủ đầu tư bất động sản đã đưa ra các dự án "ma” để tìm cách huy động tiền của người dân. Rồi sau đó, ôm tiền chạy trốn, kết cục là người dân khóc dở mếu dở vì nhà không có, tiền cũng không cách nào lấy lại được. Vậy nhưng, thời gian qua, tình trạng nêu trên vẫn diễn ra ở nhiều địa phương và ngày càng có xu hướng phức tạp hơn.
Dự án Khu tập thể Cơ khí và Xây lắp số 7 (Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty Cơ khí và Xây lắp số 7 (Coma7) làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ những năm 2003 – 2004. Theo dự kiến, dự án này sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng vào năm 2005. Tuy nhiên, đến nay đã gần 7 năm, dự án này vẫn chưa có dấu hiệu sẽ có thể trở thành hiện thực. Nhiều người dân ở đây cho biết, nhiều năm qua không thấy có động tĩnh gì là khu đất này sẽ được triển khai để xây dựng nhà ở. "Chỉ duy nhất cách đây 9 năm (năm 2003), người ta thấy có người đến khoan cọc làm móng, xong rồi từ đó, móng cọc được đắp chiếu, thành bãi đất trống cho đến nay” – chị Thanh Hiền, một người dân ở đây cho biết.
Báo chí gần đây cũng phanh phui trường hợp dự án Chung cư 409 Lĩnh Nam do CTCP BĐS Megastar làm chủ đầu tư. Hợp đồng góp vốn được triển khai từ năm 2009 và đến cuối năm 2010 chính thức thi công, trong đó toàn bộ tòa nhà 25 tầng do Cty Hạ Long làm thứ cấp phân phối độc quyền với giá gốc 12 triệu đồng/m2. Khách hàng mua căn hộ tòa nhà này sẽ ký hợp đồng với công ty Hạ Long, nộp ngay 30% giá trị căn hộ dưới dạng hợp đồng góp vốn... Theo thiết kế, dự án gồm tổ hợp hai công trình 25 và 35 tầng có chức năng thương mại, văn phòng, nhà ở, ngoài ra còn có một khu nhà thấp tầng nằm giữa hai tòa nhà. Tuy nhiên, hiện tại dự án 409 Lĩnh Nam vẫn là một bãi công trường "trơ gan cùng tuế nguyệt”, không có dấu hiệu thi công.
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều dự án bất động sản đã được báo chí phanh phui là những dự án "ma”, chủ đầu tư đã và đang tìm cách huy động vốn của người dân bằng những hợp đồng giả tạo. Nhiều khách hàng sau khi đã nộp tiền cho chủ đầu tư mới phát hiện ra rằng, tiền của mình đang được các chủ đầu tư huy động bằng những dự án ảo. Nhưng đến lúc đòi lại tiền thì các chủ đầu tư đã cao chạy xa bay hoặc chây ỳ tìm cách thoái thác.
Thận trọng khi góp vốn
Một luật gia nhận định, lợi dụng sự cả tin cũng như sự mong mỏi được sở hữu một căn nhà với giá rẻ của người dân nên nhiều kẻ đã không ngần ngại dựng lên những dự án ảo hòng móc túi người dân. Đây cũng là một trong những bất cập mà luật pháp của chúng ta đang quá lỏng lẻo, sự lỏng lẻo ấy lại trở thành công cụ để những kẻ làm ăn phi pháp tận dụng để lừa bịp người dân. Vị luật gia này cho hay, quy định của luật là sau khi khởi công móng mới được phép huy động vốn, song trên thực tế nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng quy định đó, biến tướng đi bằng cách này hay các khác, huy động vốn ngay khi dự án còn đang "thai nghén” trong… ngăn kéo. Thậm chí không loại trừ trường hợp, dự án chỉ là dự án ma, nghĩa là hoàn toàn không tồn tại.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng đã từng thừa nhận, "việc huy động vốn và mua bán nhà trả trước trong các dự án còn nhiều bất cập và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho xã hội”. Nhiều trường hợp chủ đầu tư huy động vốn cho dự án A nhưng không tập trung vào đó mà lại mang đi đấu giá tại dự án B, thậm chí "trèo” cả sang dự án C. Như thế là chi sai mục đích.
Vậy nhưng, cho đến thời điểm này, đã xảy ra rất nhiều trường hợp mua bán nhà trên giấy, nhiều người dân đã lâm vào cảnh trắng tay, song vẫn chưa có chế tài nào để xử lý(?). Theo nhận định của giới luật gia, lỗ hổng hiện nay của luật là cho phép nhà đầu tư huy động vốn, chỉ cấm khi họ huy động trên 70% tổng giá trị căn nhà mà chưa tiến hành bàn giao nhà cho khách hàng. Chính từ lỗ hổng này, nhiều chủ đầu tư đã ngang nhiên huy động vốn với số lượng "khủng” để trục lợi. Rõ ràng là sai luật song, vì lợi nhuận kếch xù (mỗi dự án bất động sản, họ có thể ôm vài tỷ đồng của mỗi khách hàng – PV) nên nhiều kẻ đã không ngần ngại làm trái luật. Bởi vậy, giới luật gia khuyến cáo, người tiêu dùng khi định đặt bút ký bất cứ một hợp đồng gì cần phải xem xét kỹ lưỡng các văn bản giấy tờ liên quan đến dự án, xem xét kỹ hồ sơ pháp lý của dự án, không nên thấy rẻ là lao vào nộp tiền, tránh hậu quả như hiện nay, nhiều người không có nhà, tiền cũng không đòi được, mà nếu đi kiện thì lại mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để theo kiện…
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết