Golden West: Từ dự án bị "phốt" đến nghi vấn bán rẻ tài sản Nhà nước

Cập nhật 18/12/2018 14:07

Hiếm có dự án nào mà suốt quá trình hình thành, phát triển lại gặp nhiều rắc rối như Cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp văn phòng và siêu thị Golden West.

Cư dân chung cư Golden West biểu tình phản đối chủ đầu tư vào năm 2017. Ảnh: Vnmedia.

Nhiều bê bối

Dự án Golden West tọa trên đất vàng số 2 Lê Văn Thiêm, Hà Nội (lô đất 2.5 HH), tiền thân là của Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (Coma) nhưng từ 2015, Công ty CP phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) là Chủ đầu tư mới.

Nếu như trong quá trình thi công, dự án Golden West từng bị  các cấp chức năng đình chỉ và xử phạt nặng vì để xảy ra nhiều sai phạm xây dựng thì đến khi bàn giao, dự án tiếp tục bị chính người dân căng băng-rôn phản đối.

Ở dự án vàng này, có thể bắt gặp hàng loạt các sai phạm thuộc hàng "kinh điển" như: Không đảm bảo cháy nổ; Bàn giao nhà khi các hạng mục chưa hoàn thiện; nhồi nhét thêm căn hộ; cho thuê mặt bằng sai mục đích...

Vậy nhưng những rắc rối ấy dường như chỉ là phần nổi của tảng băng.  Phần chìm là quá trình chuyển nhượng dự án từ một đơn vị nhà nước là Coma sang doanh nghiệp tư nhân Vietradico.

Dự án Golden West vướng nhiều lùm xùm trong suốt quá trình hình thành, triển khai. Ảnh: Cafef.

Theo tìm hiểu, năm 2007, Coma được UBND TP.Hà Nội chỉ định huy động vốn để xây dựng Cung Trí thức (Cầu giấy, Hà Nội) theo hình thức BT.

Đối lại, Coma được chuyển giao lô đất 2.5 HH Lê Văn Thiêm với diện tích hơn 8.700m2. Hiện nay, Cung Trí thức đã đi vào sử dụng.

Nên nhớ, mãi đến tháng 11.2016, Coma mới chuyển sang mô hình Công ty CP nhưng vốn Nhà nước vẫn chiếm trên 98%. Điều đó nghĩa là, lô đất là tài sản của Nhà nước.

Năm 2008, để có tiền thực hiện dự án tại 2.5 HH Lê Văn Thiêm, Coma đã gõ cửa Vietradico và được cho vay 150 tỉ đồng với điều kiện 2 bên sẽ cùng hợp tác kinh doanh dự án kể trên.

Coma đang ngập trong nợ nần. Ảnh: internet.
 
Trên cơ sở đó, một doanh nghiệp dự án được thành lập với vốn điều lệ 160 tỉ đồng là công ty Comaland. Trong đó Coma góp 10 tỉ đồng, Vietradico góp 150 tỉ đồng, đúng bằng số tiền cho Coma vay.

Một thời gian sau, chỉ với hơn 100 tỉ đồng, Vietradico đã tiến hành mua lại toàn bộ cổ phần của Coma tại Comaland để trở thành chủ sở hữu duy nhất của dự án, bao gồm cả lô đất 2.5 HH Lê Văn Thiêm.

Những điều khó hiểu

Cụ thể, ngày 11.8.2010, Coma đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 1 triệu cổ phần của mình tại Comaland cho Vietradico với giá 140 tỉ đồng.

Gần 2 năm sau, ngày 5.4.2013, hai bên ký biên bản thanh lý hợp đồng kể trên. Biên bản xác nhận Vietradico đã trả Coma 94 tỉ đồng (tương đương 671.429 cổ phần), còn nợ 46 tỉ đồng (tương đương 328.571 cổ phần).

Bất ngờ ở chỗ, hơn 1 năm sau ngày thanh lý hợp đồng (25.6.2014), Coma và Vietradico lại ký thêm phụ lục 02 với điều khoản hoàn toàn bất lợi cho Coma là giảm giá cổ phần, từ 140.000 đồng xuống 48.000 đồng.

Do đó, Vietradico từ nợ Coma 46 tỉ đồng chỉ còn hơn 15 tỉ đồng. Tài sản của Coma (vốn là của Nhà nước), trong nháy mắt, bỗng chốc "bốc hơi" hơn 30 tỉ đồng.

Điều khoản bất lợi trong phụ lục 02 khiến 30 tỉ đồng của Coma "bốc hơi".

Vậy khi tiến hành ký hợp đồng và các phụ lục hợp đồng với Vietradico, Coma có thực hiện định giá tài sản theo đúng quy định của pháp luật hay không? Căn cứ vào đâu để Coma giảm giá cổ phần, qua đó gây bất lợi cho chính mình?

Trong khi những dấu hiệu trên chưa được làm rõ, thì mới đây, một số người lao động của Coma đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng cho rằng, việc chuyển nhượng dự án 2.5 HH Lê Văn Thiêm cho Vietradico có dấu hiệu vi phạm, gây thất thoát tài sản của nhà nước, dẫn tới tình hình làm ăn của công ty trong những năm qua lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ,… chậm và nợ tiền bảo hiểm xã hội.

Trả lời báo chí xung quanh những nghi vấn này, ông Dương Văn Hồng - Tổng Giám đốc Coma - cho biết, trước những "lùm xùm" tố cáo, hiện tại, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xác minh. Do đó, khi nào có kết luận chính thức, doanh nghiệp sẽ phản hồi thông tin đến báo chí.

Ngập trong nợ nần

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, tổng tài sản của Coma đến thời điểm 31.12.2017 là 1.263 tỉ đồng; Vốn chủ sở hữu 188,9 tỉ đồng. Tổng nợ phải trả 1.074 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 1.063 tỉ đồng, nợ dài hạn 11,3 tỉ đồng. Doanh thu năm 2017 đạt 457 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế âm 37,5 tỉ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động