Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Không có chuyện “tháo khoán”

Cập nhật 17/06/2015 09:10

Chỉ còn 12 tháng nữa, thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ưu đãi cho bất động sản sẽ kết thúc. Khách mua nhà đang chờ khả năng thay đổi cơ cấu cho vay, cũng như mở rộng đối tượng được vay gói tín dụng ưu đãi này.

Theo thiết kế của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng ưu đãi trị giá 30.000 tỷ đồng dành 70% để cho người dân vay mua nhà ở xã hội (thời hạn 10 năm, lãi suất 5%/năm); 30% còn lại cho các chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội. Thời hạn triển khai trong vòng 3 năm (từ ngày 1/6/2013 đến 1/6/2016) đến nay đã đi qua gần 2/3, nhưng tổng số tiền đã giải ngân cho người mua nhà và chủ đầu tư mới đạt 25,4%. Câu hỏi được nhiều người đặt ra hiện nay là, liệu có khả năng “tháo khoán” gói tín dụng bằng cách mở rộng đối tượng cho vay, kéo dài thời gian cho vay và thay đổi cơ cấu tín dụng - dành nhiều hơn tỷ lệ 30% cho các chủ đầu tư dự án vay đầu tư dự án trong những tháng sắp tới, khi thời hạn giải ngân gói tín dụng sắp kết thúc (?).


Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sẽ không có chuyện “tháo khoán” gói tín dụng. Giải pháp đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, theo ông Hà, quan trọng nhất là tăng nhanh nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ (quy mô dưới 70 m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc dưới 1,05 tỷ đồng/căn). Bộ Xây dựng đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rút ngắn thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án và thủ tục đầu tư, tạo quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong điều kiện số lượng dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM còn khá hạn chế, dự án nhà ở thương mại có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hầu như không có, thì việc các ngân hàng đạt số dư nợ gần 8.000 tỷ đồng là rất cố gắng. Để được vay vốn hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng, đòi hỏi đối tượng vay vốn phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ của Nhà nước và tổ chức tín dụng. Việc đưa ra các điều kiện đối với người có nhu cầu vay vốn là cần thiết, nhằm sử dụng gói hỗ trợ đúng mục đích và đối tượng, đồng thời bảo đảm điều kiện cho tổ chức tín dụng thu hồi được vốn cho vay.

Về khả năng mở rộng đối tượng cho vay và thay đổi cơ cấu nguồn vốn, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước không tính đến khả năng này, vì với tư cách là gói tín dụng ưu đãi cho người có thu nhập thấp mua nhà để ở, các điều kiện phải đảm bảo để gói tín dụng đến đúng đối tượng. Để tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi, Nghị quyết 61/NQ - CP  (ngày 21/8/2014), Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ từ 10 năm lên 15 năm, từ đó mức phải trả nợ gốc và lãi hàng tháng của người vay đã giảm nhiều và nhiều đối tượng đã hội đủ điều kiện về khả năng trả nợ để được vay vốn.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 31/5/2015, tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng là 14.161 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng). Tổng số tiền đã giải ngân là 7.621 tỷ đồng (đạt 25,4% phụ thuộc tiến độ thi công và hoàn thành các dự án nhà ở mà người dân đã vay để mua, thuê mua); trong đó có 17.624 hộ gia đình, cá nhân đã được giải ngân vốn vay với số tiền 5.520 tỷ đồng; 33 dự án đã được giải ngân với số tiền là 2.101 tỷ đồng.

Đáng chú ý là, tốc độ cam kết cho vay đã tăng rất mạnh trong những tháng cuối năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, nhất là từ sau khi có Nghị quyết 61/NQ-CP. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, tại thời điểm 31/5/2015, số vốn vay đã cam kết cho khách hàng tăng 200,4% (14.161 tỷ đồng so với 7.232 tỷ đồng), số hộ gia đình, cá nhân được cho vay vốn tăng 249,7% (18.062 cá nhân so với 7.232 cá nhân) so với thời điểm ngày 31/8/2014.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư