Giới đầu tư địa ốc và truyền thông mấy ngày qua đã dành sự quan tâm đặc biệt trước thông tin Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) chủ trì tung ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng nhằm vực dậy thị trường bất động sản.
Không quan tâm sao được khi mà báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, cho biết trong năm qua, đã có gần 300 dự án phải đình lại vì chủ đầu tư “đói vốn”, trong khi gói 30.000 tỷ dù đang ì ạch giải ngân song không phải doanh nghiệp nào cũng với tới. Việc có một lượng tiền lớn được hứa hẹn bơm cho thị trường là điều khiến cho ai cũng cảm thấy phấn chấn.
Theo thông tin được chính VNCB công bố, gói hỗ trợ tín dụng trị giá 50.000 tỷ được ngân hàng này cùng với nhiều ngân hàng thương mại có tên tuổi khác… cùng ký kết tham gia. Một buổi họp báo công bố chương trình được tổ chức khá hoành tráng tại Tp.HCM với những khách mời từ Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia có uy tín và nhiều phóng viên từ Hà Nội vào.
Thế nhưng, đằng sau một khoản tiền tạm gọi là khổng lồ đó, có nhiều chi tiết chưa được làm rõ, ngay từ cách thức công bố cũng như ý nghĩa, mục đích của gói tín dụng được cho là mang nhiều ý nghĩa hỗ trợ này.
Trao đổi với VnEconomy ngay sau khi thông tin gói 50.000 tỷ được công bố, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã tỏ ra nghi ngờ về giá trị thực của chương trình này.
Theo ông, báo chí và những cơ quan có trách nhiệm cần phải kiểm tra lại thông tin, vì bản thân VNCB chưa phải là một ngân hàng lớn, trong khi 50.000 tỷ là một số tiền rất lớn.
(Cũng cần chú ý, VNCB là cái tên mới được đổi của một ngân hàng nằm trong nhóm lận đận suốt trong thời gian dài vừa qua: Trust Bank).
Chuyên gia này cũng băn khoăn vì sao chương trình lại được thiết kế chỉ với một nhóm khép kín, có chỉ định, từ ngân hàng cho vay đến doanh nghiệp cung ứng vật liệu, chủ đầu tư, tại sao lại lựa chọn doanh nghiệp vật liệu để cấp vốn… Trong đó, nổi lên là vai trò của Tập đoàn Thiên Thanh với tư cách là đối tác cung ứng vật liệu.
Đặc biệt, theo ông Thành, liệu khi cho vay rồi, dự án có bán được không, bởi theo công bố của các ngân hàng thì dường như chỉ tập trung vào hoàn thiện các dự án dở dang, trong khi thực tế hiện nay phân khúc nhà ở có giá cao vẫn tồn kho chất đống.
“Liên kết 4 nhà mà VNCB công bố thực chất chỉ là nghiệp vụ quản lý dòng tiền của các ngân hàng, đã làm từ nhiều năm trước nên không có gì mới, thậm chí đó chỉ là thủ thuật để lăng xê, khuếch trương. Hiện nợ xấu bất động sản vẫn còn lớn thì liệu việc bơm thêm tiền có kiểm soát được không?”, ông Thành nói.
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, tỏ ra khá phấn chấn với thông tin có một lượng tiền 50.000 tỷ đồng sẽ được bơm vào thị trường bất động sản, khi nhiều chủ đầu tư không còn tiền để tiếp tục triển khai dự án.
Nhưng, theo ông, mặc dù ý tưởng “liên kết 4 nhà” mà VNCB đưa ra là khá tốt, song thực tế thì ý tưởng này đã được ngân hàng BIDV khởi xướng từ hai năm trước, nhưng gần như không thành công và cũng chìm dần theo thời gian.
“Bây giờ Ngân hàng Xây dựng công bố có vẻ hoành tráng, quy mô nhưng từ ý tưởng đến thực hiện trong thực tiễn là cả một khoảng cách dài, bởi nếu dễ thì BIDV đã làm hai năm trước”, ông Đực nói.
Theo chuyên gia này, mấu chốt của gói tín dụng 50.000 tỷ của VNCB là phải có đơn vị thi công tốt, vật liệu xây dựng giá rẻ thì chủ dự án mới có thể chọn được đầu vào giá thấp, nếu không sẽ thua lỗ.
Nhưng theo như VNCB công bố, dường như gói này chỉ cô đọng đối với một số doanh nghiệp, và nếu thế thì các doanh nghiệp khác khó có cơ hội.
Với TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông nói rất hoan nghênh việc rót vốn để làm ấm thị trường.
Nhưng cũng như một số chuyên gia khác, ông Liêm cũng băn khoăn một số điểm của gói tín dụng 50.000 tỷ đang được dư luận quan tâm.
Với gói 50.000 tỷ, các dự án dở dang có thể thể hoàn thành, nhưng câu hỏi đặt ra là sản phẩm có bán được không, có cầu không, bởi kỳ vọng của ngân hàng là cho vay tiếp để hoàn thành dự án và thu nợ cũ. Nhưng dư án có bán được không, có tiêu thụ và có khả năng trả nợ hay không thì vẫn chưa ai dám khẳng định.
“Tôi cho rằng, tiền bơm vào bất động sản chỉ hiệu quả nếu rót đúng vào cầu, trong khi gói này lại tập trung rót vào cung. Nếu cầu không có thì rót nữa cũng thế thôi, thậm chí lại làm trầm trọng thêm nợ xấu. Trước đây ngân hàng thường nhắm mắt cho vay, giờ mà cũng tái lặp lại thì chỉ có chết”.
Đó còn chưa kể đến hoài nghi về nhóm lợi ích, đi đêm giữa một số doanh nghiệp và ngân hàng. "Mọi thứ phải minh bạch thì mới hy vọng có kết quả tốt được", TS. Liêm nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy