Gói 30.000 tỷ đồng tiếp tục vướng

Cập nhật 17/10/2013 16:57

(*TPHCM chưa có doanh nghiệp nào được vay)

Dù các NHTM đã thúc đẩy triển khai gói 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất 6%/năm dành cho đối tượng có thu nhập thấp, nhưng sau hơn 4 tháng, số khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay chưa đáng kể so với kỳ vọng. Các NHTM cho rằng hiện nay có rất nhiều điểm nghẽn cần được hỗ trợ tháo gỡ mới có thể đẩy mạnh cho vay.


Công chứng “lắc”, NH không thể “gật”

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, đến hết tháng 9 tại TPHCM mới có 137 khách hàng cá nhân được ký hợp đồng tín dụng gói 30.000 tỷ đồng, với số vốn cam kết 78,46 tỷ đồng và chưa ký hợp đồng với khách hàng doanh nghiệp nào.

Đến nay cũng chỉ có 58 khách hàng được giải ngân số tiền 22,6 tỷ đồng. Báo cáo của 5 NHTM được phân công tham gia chương trình này cho thấy NHTM đã tích cực thực hiện nhiệm vụ phân công, nhưng đang vướng 2 điểm nghẽn lớn.

Thời gian qua, các NHTM đã cố gắng vận dụng linh hoạt việc nhận thế chấp tài sản, nhưng do văn phòng công chứng không hỗ trợ, khi rủi ro xảy ra, NHTM sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn và khi đưa ra tòa án, hợp đồng thế chấp này sẽ bị vô hiệu hóa. Vì vậy, nếu giải quyết được điểm nghẽn này sẽ giúp việc giải ngân thuận lợi.

Thứ nhất, về thế chấp nhà ở xã hội (NoXH). Loại nhà ở này hình thành trong tương lai và trong quy chế của NHNN cho phép thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, tức thế chấp căn nhà được mua cho NH, nhưng văn phòng công chứng không đồng ý công chứng.

Theo Khoản 1 Điều 91 Luật Nhà ở, những giao dịch về bất động sản phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi đó NoXH lại hình thành trong tương lai nên không có giấy chứng nhận này, tức không đáp ứng được yêu cầu của văn phòng công chứng. Không có công chứng, về mặt pháp lý rủi ro có thể xảy ra, nên các NH không thực hiện cho vay.

Điểm nghẽn thứ hai là trong quá trình cho vay, NH yêu cầu khách hàng chứng minh nguồn trả nợ mới có thể cho vay. Tuy nhiên, việc chứng minh nguồn trả nợ, theo các NHTM phản ánh, nếu cho vay trong thời gian 10 năm sẽ gây áp lực rất lớn cho người vay mua nhà.

Do đó, NHNN chi nhánh TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM, Thống đốc NHNN, cho vay phải đảm bảo tính toán khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn. Bởi quy định cho phép người có thu nhập thấp, người mua NoXH vay trong vòng 10 năm rất khó đáp ứng khả năng trả nợ, sẽ gây áp lực cho cả khách hàng cũng như áp lực rủi ro nợ xấu có thể xảy ra.

Theo đó, NHNN chi nhánh TPHCM đề nghị có thể nâng thời hạn vay lên 15-20 năm để đảm bảo Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng như khâu tổ chức thực hiện của các NHTM hiệu quả.

NHTM bị động

Đại diện Vietcombank tại TPHCM cho biết đã cho vay 27 khách hàng với số tiền cam kết gần 27 tỷ đồng và giải ngân 17,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vietcombank đang gặp khó khăn trong vấn đề khách hàng chứng minh thu nhập và người trong gia đình chưa có nhà ở.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, Agribank chia sẻ hiện nhiều dự án đang xin chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang NOXH nhưng phải chờ Bộ Xây dựng phê duyệt và chuyển danh mục sang NHNN, chưa thể cho vay đối với các dự án đó được.


Không chỉ NH mà nhiều cơ quan liên quan gây khó cho việc giải ngân.
Ảnh: LONG THANH

Ông Phạm Thế Nguyên, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Sở giao dịch II, cho biết trong quá trình triển khai gói 30.000 tỷ đồng, BIDV gặp một số vướng mắc đối với những doanh nghiệp xin chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang NoXH.

Bởi nhiều dự án xin chuyển đổi công năng này đã thế chấp, đã vay vốn tại một tổ chức tín dụng, đồng thời nhà ở của dự án này đã bán một phần. Đối với một số căn hộ nằm trong điều kiện nhà ở thương mại diện tích dưới 70m2, BIDV đồng ý cho khách hàng vay vốn nhưng tổ chức tín dụng đã cho vay trước đó không đồng ý xem tài sản đó là tài sản thế chấp cho bên BIDV.

Một vấn đề nữa là việc xác minh các cá nhân được vay vốn đang gặp khó khăn từ chính quyền địa phương, phía BIDV đã kiến nghị lên Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng nhưng việc tháo gỡ vẫn chưa được thực hiện. Mới đây, BIDV đã kiến nghị tiếp lên NHNN, Bộ Xây dựng cần mở rộng hơn những điều kiện để việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng được thuận lợi hơn.

“Tính đến nay, tại BIDV TPHCM mới có 8 cá nhân được xét duyệt và giải ngân khoảng 3 tỷ đồng, trong khi 10 doanh nghiệp đăng ký nhưng đến nay chỉ ký kết được 1 dự án. Việc xét duyệt dự án này cơ bản đã hoàn thành, BIDV cũng đã trình các cấp chính quyền, chỉ còn chờ quyết định sau cùng của Bộ Xây dựng” - ông Nguyên nói.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân, cho biết công ty ông là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng với hạn mức 540 tỷ đồng, tuy nhiên do thủ tục quá chậm, nhiêu khê và chồng chéo, nên đến nay vẫn chưa được giải ngân.

Trong khi đó, doanh nghiệp tung ra hàng loạt chương trình quảng bá khách hàng sẽ được hỗ trợ lãi suất 6%/năm từ gói 30.000 tỷ đồng để thu hút người mua nhà.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Tài Chính