Những vấn đề xoay quanh chuyện chốt thời hạn giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đang là chủ đề nóng của dư luận trong những ngày gần đây. Theo ý kiến của các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh chính sách không phải là điều quá khó, nhất là chính sách này đã đi được gần đến cuối chặng đường và là chính sách mang ý nghĩa to lớn đối với vấn đề an sinh xã hội.
Người dân vay tiền mua nhà tại những dự án bàn giao nhà sau thời điểm 1-6-2016 đang phấp phỏng lo tăng lãi suất. (Ảnh: H.Anh)
|
Sau 3 năm triển khai thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, đến nay tổng số tiền đã ký hợp đồng cam kết cho vay đạt trên 29.500 tỷ đồng (trên 98%), đã giải ngân trên 20.300 tỷ đồng (gần 70%). Trong đó: Đối với hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng cho vay gần 45.000 hộ, với số tiền khoảng 21.700 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 44.792 hộ với số tiền là 16.085 tỷ đồng. Với tiến độ giải ngân như các tháng gần đây, dự kiến đến 1-6-2016 sẽ giải ngân được khoảng 85% và cuối năm 2016 sẽ giải ngân hết gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. |
Chị Nguyễn Thị B. (Thanh Trì, Hà Nội) hiện đang mua nhà tại một dự án nhà ở xã hội ở quận Hoàng Mai cho biết, căn hộ gia đình chị mua có giá khoảng 900 triệu đồng, theo tiến độ tháng 10-2016 chị sẽ nhận được nhà và chị vay 300 triệu đồng của ngân hàng (NH). Tuy nhiên, do không biết đến thông tin sau 1-6-2016 người mua nhà sẽ phải chịu lãi suất thương mại đối với các khoản chưa giải ngân, nên thời gian đầu, với suy nghĩ tự chủ được đến đâu hay đến đó, chị dùng tiền mặt của gia đình để thanh toán. Số tiền 300 triệu vay NH chị đăng ký giải ngân vào giai đoạn cuối, như vậy khả năng cao là chị sẽ phải thanh toán lãi suất cho khoản vay này hoàn toàn theo lãi suất thương mại trên thị trường. Điều này khiến chị vô cùng lo lắng.
Như vậy, có thể do áp lực doanh số hay nhiều lý do khác nhau, việc thông báo cho người dân biết về quy định này đã không được các nhân viên NH thực hiện nghiêm túc. Chưa kể, NHNN quy định, trong hợp đồng tín dụng ký với khách hàng, các NH có trách nhiệm thông báo rõ ràng những quy định về lãi suất, tuy nhiên, hầu hết NH đều khá mập mờ khi thể hiện nội dung này.
Một người khác cũng đang vay gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Đồng Mô (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chị Nguyễn Ngọc M. cho biết, hợp đồng tín dụng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chỉ ghi chung chung là sau năm 2015, lãi suất sẽ được thực hiện theo thông báo của NH trên cơ sở quy định của NHNN từng thời kỳ, theo đó NHNN sẽ xác định và công bố lãi suất áp dụng cho các năm tiếp theo bằng khoảng 50% lãi suất cho vay của các NH trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm.
“Không hề có quy định nào nêu rõ sau 1-6-2016 lãi suất sẽ theo thị trường nên chúng tôi vẫn ngầm hiểu sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi trong suốt quá trình vay, nếu có tăng cũng không quá 6%. Hiện nay gia đình tôi rất hoang mang bởi nếu phải trả lãi theo thị trường là quá sức đối với gia đình công chức như chúng tôi”, chị M cho hay.
Do lo ngại phải chịu mức lãi suất cao, đã xuất hiện tình trạng lách luật để giải ngân trước hạn. Như trường hợp người dân mua nhà tại dự án Thăng Long Victory phản ánh, chủ đầu tư và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) phối hợp giải ngân xong các khoản vay trước thời hạn để người dân được hưởng ưu đãi 5% cho toàn bộ khoản vay gây ra những lo ngại về việc sau khi nhận đủ tiền, chủ đầu tư có giao nhà cho người dân đúng tiến độ ?
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, việc lách luật này trong mọi trường hợp, chủ đầu tư là người có lợi nhất và người thiệt thòi nhất khi lỡ có rủi ro xảy ra vẫn là người dân.
Ngân hàng Nhà nước cần sớm lên tiếng
Về vấn đề các NH mập mờ quy định về lãi suất trong hợp đồng, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN cho biết, với trường hợp các NH ghi các điều khoản một cách chung chung, thông tin mập mờ, để người dân thiếu thông tin, dẫn đến vi phạm quyền lợi mà lẽ ra họ được hưởng thì khách hàng có thể kiện các NH thương mại ra tòa. NHNN sẽ có trách nhiệm xử lý đối với các lãnh đạo NH, các NH thương mại cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người dân đã ký hợp đồng do những thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, người vay không thể kiện được vì đây không phải là gói vay thương mại trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên mà là triển khai chính sách, quy định của Nhà nước. Do đó, giải ngân bao nhiêu, thời hạn như thế nào là do chính sách gốc quy định.
Như vậy, câu chuyện ở đây là chính sách gốc. Thực tế, quy định này đã được NHNN quy định trong Thông tư 11/2013/NHNN, theo đó, việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của NH đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày 1-6-2013. Và theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ban đầu khi xây dựng gói tín dụng này không có quy định về thời hạn, Nghị quyết 02/NQ-CP cũng xác định quy mô của gói là 20-40 ngàn tỷ đồng chứ không nói gì về thời hạn.
Ông Nam cho rằng, quy định về thời hạn gây ra sự rắc rối khi trong một hợp đồng nhưng triển khai hai loại lãi suất khác nhau, không mang tính nhất quán từ đầu đến cuối và trong các hợp đồng tín dụng của các NH thương mại cũng không thể hiện rõ sẽ gây bức xúc lớn cho người dân và hiệu quả kinh tế không được bao nhiêu đồng thời gây mất niềm tin vào chính sách của Nhà nước.
Theo Bộ Xây dựng, kết quả thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với thị trường bất động sản, góp phần thực hiện định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có khoảng 45.000 hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng vay mua, thuê mua, sửa chữa cải tạo, xây mới nhà ở. Mặt khác, số lượng vốn trong gói 30.000 tỷ đồng dự kiến giải ngân sau ngày 1-6-2016 cũng không nhiều... Do đó, để bảo đảm sự nhất quán và ổn định đối với chính sách hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng đã đề nghị NHNN xem xét, giải quyết theo hướng sau ngày 1-6-2016 mà chưa giải ngân hết gói hỗ trợ này thì kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hiểu lầm về lãi suất là do lỗi của hai bên, NH và người vay, nhưng bây giờ không phải là thời điểm xét lỗi của bên nào, mà cần tập trung giải quyết quyền lợi cho người mua nhà. Theo đó, cần kéo dài mức lãi suất và thời điểm giải ngân để tránh việc “một hợp đồng, hai lãi suất”. Theo ông Nguyễn Trần Nam, NHNN cần có nghiên cứu thấu đáo và nhanh chóng lên tiếng trả lời để ổn định tâm lý cho các NH thương mại, chủ đầu tư, người dân, tránh việc chỉ vì một phần nhỏ (khoản vay giải ngân sau 1-6-2016) mà nhiều NH, chủ đầu tư, người dân lách luật, giải ngân trước không đúng với quy định của pháp luật.
Trong khoảng thời gian ít ỏi 3 năm vừa qua, do có nhiều hạn chế và thiếu tính thực tế dẫn đến đây cũng là chính sách tín dụng phải bổ sung chỉnh sửa khá nhiều. Thực tế chỉ khoảng 1 năm gần đây, sau khi có sự điều chỉnh về lãi suất, thủ tục, đối tượng, nguồn cung được bổ sung... việc giải ngân gói tín dụng này mới tăng vọt, còn trong vòng hơn 1 năm đầu triển khai, tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng này rất thấp, và đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc đến ngày 1-6-2016 chúng ta vẫn chưa giải ngân hết số tiền này. Từ những kết quả, những hệ lụy trong thực tế triển khai gói tín dụng này cũng như những kiến nghị của các đối tượng liên quan, thiết nghĩ, việc điều chỉnh quy định về giải ngân gói 30.000 tỷ không phải là quá khó đồng thời là việc NHNN cần làm để đảm bảo quyền lợi cho người dân và cũng là cơ hội cuối cùng để tạo ra vĩ thanh cho gói tín dụng này, để nó là động lực, kinh nghiệm trong triển khai những gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội trong thời gian tới.