Gói 30.000 tỷ cần những cú huých mới

Cập nhật 09/07/2014 11:11

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, chính sách đã từng bước phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, tuy nhiên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các ngành, các cấp, đặc biệt là các địa phương.


Tính đến hết 31/5/2014, tổng số tiền giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng đã tăng 225% so với cuối năm 2013

Người dân vẫn ngại ngần

Theo ông Nam, phần lớn gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng (70%) là dành cho người dân vay mua nhà ở xã hội với thời hạn 10 năm, lãi suất 5%/năm. 30% còn lại dành cho các chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/5/2014, có 5.331 khách hàng cá nhân được ký hợp đồng tín dụng, với tổng số tiền cam kết cho vay là 2.055 tỷ đồng, dư nợ giải ngân theo tiến độ đạt 1.326 tỷ đồng; 22 doanh nghiệp (24 dự án) với số tiền cam kết 2.210,4 tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở dành cho doanh nghiệp.

Sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng này, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, giao dịch tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, giá trung bình.

“Do thị trường có chuyển biến tốt, nên một số dự án nhà ở tạm ngừng trước đây đang được triển khai trở lại và tiếp tục mở bán. Nguồn cung hàng hóa nhà ở tại TP. HCM và Hà Nội hiện nay khá lớn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân”, ông Nam nói và cho biết, nguồn cung đối với loại nhà xã hội, căn hộ trung bình và giá thấp đang tăng lên và có giao dịch tốt, thậm chí, có dự án chỉ mới xây xong móng cũng đã bán hết hàng. Điều đó khẳng định rằng, Nghị quyết 02 của Chính phủ đã trúng và đang từng bước đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, ông Nam cũng cho biết, nhiều người dân vẫn ngại ngần tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng do lãi suất vẫn còn cao, dù đã được giảm xuống 5%/năm, trong khi thời gian cho vay ngắn. Với những điều kiện như hiện tại, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tích lũy để vay vốn mua nhà từ gói tín dụng này.

Tiếp tục khơi thông

Dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng tốc độ giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng vẫn chậm so với mục tiêu ban đầu, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do nguồn cung nhà xã hội, nhà giá thấp còn thiếu.

Nhu cầu về nhà ở xã hội tại các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM còn rất lớn và thực tế, các dự án nhà ở xã hội đều làm đến đâu hết hết đó. Tuy nhiên, hiện do còn một số vướng mắc về thủ tục hành chính ở địa phương, nên nguồn cung nhà xã hội, nhà giá thấp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, ông Nam cho biết, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương tạo điều kiện rút ngắn thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, chuyển đổi dự án thương mại sang nhà ở xã hội và điều chỉnh cơ cấu căn hộ dự án.  Bên cạnh đó, cần kiểm soát giá bán nhà xã hội để giá bán nhà xã hội luôn thấp hơn nhà thương mại tại cùng một địa điểm.

“Hiện Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra việc xác định giá bán của các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng để xử lý nếu doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội có giá bán cao hơn quy định”, ông Nam nói.

Về việc đẩy nhanh hơn nữa giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, ngoài việc tạo lập nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ bổ sung một số giải pháp về vốn tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm và giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ định thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng…

Cũng theo ông Nam, sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thành lập đoàn kiểm tra việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy việc giải ngân. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng xây dựng cơ chế tài chính lâu dài cho người thu nhập thấp vay mua, thuê mua nhà xã hội.

“Với những giải pháp nêu trên, chắc chắn trong thời gian tới, người dân sẽ tăng khả năng được tiếp cận với nguồn vốn có sự hỗ trợ của Nhà nước để mua, thuê nhà ở”, ông Nam tin tưởng.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản