Dù có một vài điểm “trục trặc” phải tháo gỡ nhưng gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ tích cực cho người dân có nhu cầu mua được nhà ở, thúc đẩy thị trường bất động sản ổn định
Gói tín dụng bất động sản 30.000 tỉ đồng triển khai từ tháng 6-2013 thực hiện trên tinh thần Nghị quyết số 02 của Chính phủ, kéo dài 2 năm, sau đó được gia hạn thêm 1 năm. Như vậy chỉ còn 6 tháng nữa chương trình sẽ kết thúc. Mặc dù thời gian qua, nhiều người đã trầy trật mới được tiếp cận gói tín dụng này nhưng báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy tốc độ giải ngân gói tín dụng này đạt kết quả tương đối ổn.
Giải ngân vẫn còn thấp
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay đạt 26.999 tỉ đồng, tương đương 90% gói tín dụng. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay đối với 40.037 đối với hộ gia đình, cá nhân, với số tiền là 19.225 tỉ đồng. Trong đó, 13.087 hộ vay để mua nhà ở xã hội với số tiền 5.306 tỉ đồng; 22.339 hộ vay để mua nhà ở thương mại giá thấp với số tiền 11.941 tỉ đồng; 4.611 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền 1.977 tỉ đồng. Ngoài ra, các tổ chức gói tín dụng cũng cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.774 tỉ đồng và hiện đã giải ngân cho 58 dự án, dư nợ 3.940 tỉ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân tính đến hết năm 2015 là 17.711 tỉ đồng, tương đương 59% gói 30.000 tỉ đồng.
Gói 30.000 tỉ đồng dù còn nhiều vướng mắc nhưng đã hỗ trợ rất nhiều cho người thu nhập thấp và thị trường bất động sản Ảnh: Tấn Thạnh
|
Ông ĐOÀN CHÍ THANH, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (HARS):
Cầu nối cho doanh nghiệp tiếp cận người mua nhà
Là một trong những đơn vị phân phối, đầu tư bất động sản ở phân khúc giá bình dân, vừa túi tiền, HARS đã thực hiện khá tốt hoạt động kinh doanh của mình thông qua gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Tôi cho rằng gói tín dụng này mặc dù còn nhiều vướng mắc vì bị thay đổi, điều chỉnh nhiều lần nhưng thực tế, đây là chiếc cầu nối, hỗ trợ tích cực cho cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời kỳ khó khăn, hỗ trợ họ tiếp cận được với người mua nhà có nhu cầu thật.
Đặc biệt, những người cần mua nhà đã nhờ gói tín dụng này mà có nhà để ở. Theo đó, từ khi triển khai gói tín dụng, đến nay, HASR đã hỗ trợ cho khoảng 2.000 khách hàng vay gói tín dụng này. Nếu như dự án nào có căn hộ nhỏ, giá bán dưới 1 tỉ đồng và được vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng luôn thu hút người mua. Chính vì vậy, nếu tiếp tục có gói tín dụng tương tự thì rất tốt cho thị trường.
Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA, Phó Chủ tịch Hiệp Hội BĐS TP HCM:
Nên duy trì gói hỗ trợ
Gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ kịp thời, ý nghĩa, có tác dụng tích cực cho xã hội, cho thị trường bất động sản trong thời gian qua. Nó đã đánh vào đúng đối tượng người chưa có nhà, thu nhập thấp đang cần nơi ở. Dù ngay từ khi áp dụng, gói tín dụng đã có những vướng mắc cơ bản về đối tượng, giá trị vay… nhưng sau đó đã được tháo gỡ. Theo tôi, việc duy trì gói tín dụng này sẽ rất tốt cho nhà xã hội vì giải quyết được bài toán nhà ở cho người có nhu cầu mà thu nhập thấp, còn doanh nghiệp thì bán được hàng và ngân hàng thì có thể tăng cường hoạt động tín dụng.
Ông TRẦN ĐÌNH LONG, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB):
Từ đây đến ngày 30-6, dư nợ cho vay gói 30 000 tỉ đồng sẽ tăng nhanh nhưng sẽ không đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng. Do đó, để tiến độ giải ngân của gói tín dụng này đạt như kỳ vọng, cần gia hạn thêm thời gian giải ngân cho các ngân hàng triển khai. Ngoài ra, việc mở thêm gói mới hỗ trợ nhu cầu mua nhà ở của người dân có thu nhập thấp và trung bình cũng cần được xem xét. Các gói khác nếu được triển khai cần được tạo lập ngay từ đầu những quy định pháp lý cho vay chặt chẽ, có hướng dẫn rõ ràng và thủ tục vay thông thoáng hơn để người dân được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.