Gói 30 nghìn tỷ đồng: Tiếp cận dễ hay khó?

Cập nhật 09/07/2014 09:09

Bộ Xây dựng và ngân hàng tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng và tạo mọi điều kiện để các đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội (NƠXH) tiếp cận tốt nhất với gói tín dụng. Nhiều người dân đã vay được vốn, trong khi đó, cũng có rất nhiều người dân vẫn gặp khó khăn khi chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Vậy việc tiếp cận với gói tín dụng trên dễ hay khó?


Xác nhận nhà ở mỗi nơi một kiểu

Có thể thấy, thủ tục cho khách hàng cá nhân vay gói 30 nghìn tỷ đồng hiện đã "mở" hơn, như cho thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, lãi suất cho vay cũng đã điều chỉnh từ 6%/năm xuống 5%/năm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn một số bất cập như xác nhận tình trạng nhà ở đối với người dân ở phường rất khó, vì địa phương chỉ xác nhận thường trú chứ không xác nhận tình trạng nhà ở. Vì trên thực tế, việc xác nhận tình trạng nhà ở còn chưa thống nhất, mỗi nơi một kiểu. Chẳng hạn mẫu đơn đề nghị cơ quan xác nhận người vay "chưa sở hữu nhà ở/căn hộ", có nơi xác nhận theo tình trạng hiện tại là không có nhà ở (có thể trước đó có nhà rồi nhưng đã bán), có nơi đòi hỏi là người vay từ trước đến nay chưa có nhà chứ không phải là hiện tại "không có nhà"… dẫn đến việc xác nhận càng khó khăn.

Như gia đình anh chị Tùng – Huyền (thuê nhà tại phố Trần Duy Hưng, Q.Cầu Giấy) có nhu cầu mua nhà ở thương mại giá rẻ (dưới 15 triệu đ/m2) cho biết, trong quá trình làm hồ sơ mua nhà thì thủ tục ra phường xác nhận chưa có nhà ở là lằng nhằng và phức tạp nhất. Thời gian hẹn lấy giấy xác nhận là 3 - 5 ngày nhưng phải đến 20 ngày mới lấy được. Chưa kể, họ còn yêu cầu chủ nhà nơi anh chị thuê mang hộ khẩu, sổ đỏ nhà ra làm chứng là anh chị có thuê ở đây. Tưởng đã xong nhưng hôm sau họ lại bảo không được, họ lại yêu cầu chủ nhà ra gặp luật sư tại văn phòng công chứng. Và khi đã có đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì anh chị đã được ngân hàng hỗ trợ vay vốn…

Đại diện cán bộ tín dụng ngân hàng BIDV cho biết, trước đây khách hàng gặp một số khó khăn khi làm thủ tục vay vốn, chủ yếu là từ sự thiếu thống nhất trong xét duyệt hồ sơ chứng nhận tình trạng nhà ở giữa ngân hàng và chính quyền địa phương. Rất nhiều khách hàng đã hiểu sai về thủ tục và quy trình vay vốn từ gói hỗ trợ, trên thực tế chỉ cần đáp ứng đủ các giấy tờ là có thể vay được.

Trên thực tế các dự án nhà ở thương mại (NƠTM) chia nhỏ diện tích, giảm giá thành, chuyển đổi một phần sang nhà ở xã hội (NƠXH), không được hưởng 100% hỗ trợ từ gói tín dụng thì phía ngân hàng sẽ phải cân nhắc cẩn thận về thủ tục vay vốn nên chắc chắn là phải gặp một số khó khăn. Các dự án NƠXH, NƠTM giá rẻ có thiết kế hoàn chỉnh, đồng bộ về diện tích xây dựng và giá bán nằm trong điều kiện hỗ trợ của gói 30 nghìn tỷ đồng thì dễ dàng được ngân hàng xét duyệt hơn.

Đặc biệt, với các dự án thuộc gói 30 nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư đều ký kết thỏa thuận với các ngân hàng về hỗ trợ vay vốn cho khách mua nhà nên việc tiến hành thủ tục và điều kiện vay vốn đều được thực hiện thuận lợi, khách hàng không gặp nhiều khó khăn trong giải ngân hồ sơ vay, trừ một số trường hợp thiếu sót do chưa hiểu hết về thủ tục và quy định.

Như vậy, theo như lời người mua nhà và đại diện ngân hàng BIDV thì khó khăn tiếp cận gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng không phải từ phía ngân hàng, mà chính từ việc hoàn thành thủ tục xác nhận tình trạng nhà ở từ cấp phường, nơi có rất nhiều người dân muốn mua nhà nhưng lại bị chặn bởi chữ “ngại”.

Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân

Nhu cầu NƠXH rất lớn, đến năm 2015, cả nước cần khoảng 1,3 triệu căn hộ. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và hỗ trợ nhà ở cho những hộ khó khăn về nhà ở, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nên kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm. Đồng thời mở rộng đối tượng được vay vốn hỗ trợ từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, trong đó bổ sung đối tượng vay là hộ gia đình, cá nhân, tham gia đầu tư NƠXH cho thuê, thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các KCN, cho học sinh, sinh viên và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết NƠXH theo quyết định của Nghị định 188/2013/NĐ-CP…

Hiện nay, cả Bộ Xây dựng và ngân hàng vẫn đang nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng và tạo mọi điều kiện để các đối tượng có nhu cầu được tiếp cận tốt nhất với gói tín dụng. Một số ý kiến cho rằng, giải pháp trước mắt hiện nay là các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn, tháo gỡ các thủ tục, vướng mắc (đặc biệt từ việc xác nhận tình trạng nhà ở tại nơi cư trú), đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt các dự án NƠXH, cho phép chuyển đổi hoặc điều chỉnh cơ cấu các dự án NƠTM theo đề xuất của chủ đầu tư để góp phần tăng nguồn cung về NƠXH…

Và một điều quan trọng nhất trong lúc này chính là giúp người mua hiểu rõ về gói hỗ trợ, về quyền lợi và hoàn thiện tốt các thủ tục vay vốn để sớm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

DiaOcvOnline.vn - Theo Báo Xây dựng