Bất động sản đang nóng, thế nhưng phân mảng thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp lại đang dần trôi về “góc khuất”.
Chứng kiến các thị trường văn phòng, khách sạn, mặt bằng bán lẻ và căn hộ cao cấp đang trên đà sôi động, có thể thấy thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp đang có nguy cơ trở thành một “đứa con rơi”.
Nhìn từ góc nhìn thị trường, rõ ràng phân mảng này kém hấp dẫn hơn nhiều bởi vốn đầu tư bỏ ra không ít trong khi lợi nhuận không cao, thậm chí khó có lợi nhuận.
Và thực tế đã chứng minh điều đó với việc các doanh nghiệp đang cùng nhau lên kế hoạch tham gia đầu tư vào các khu đô thị, khu nhà ở cao cấp, biêt thự hay xây mặt bằng bán lẻ và hầu như ít ai chú ý đến việc cung cấp nhà ở cho người thu nhập thấp.
Nếu trong những năm 2003-2006, khi thị trường nhà đất còn đang đóng băng mà thị trường nhà cho người thu nhập thấp đã gặp khó khăn, khó có cơ hội phát triển thì vài tháng trở lại đây, trong xu hướng sôi động trở lại, giá đất đang tăng lên, thậm chí tăng rất mạnh, thì sức ép đè nặng lên thị trường nhà cho người có thu nhập thấp càng tăng.
Đơn cử, giá nhà bình quân tại các khu đô thị mới hiện nay dao động từ 5 đến 10 triệu đồng/m2 tùy theo tính chất khu đô thị. Như vậy căn hộ có giá rẻ nhất khoảng 500 triệu đồng (chưa kể đây là mức giá ít người dân có cơ hội tiếp cận bởi hầu hết đã phải thông qua trung gian). Để có mảnh đất khoảng 30m2 ở các huyện Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì rồi xây nhà cũng phải bỏ ra ít nhất 500 triệu đồng. Nếu có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên, (là mức bắt đầu phải tính thuế thu nhập và tiết kiệm được 2 triệu đồng trong số 5 triệu đồng đó), thì phải mất ít nhất 20 năm mới mua được căn hộ chung cư có giá thấp nhất. Tất nhiên đấy chỉ là phép tính, còn trên thực tế, giá trị đồng tiền, giá đất hay giá nhà sẽ thay đổi liên tục trong 20 năm đó.
Và hiện nay, khi giá nhà đất tại Hà Nội hay Tp.HCM nhìn chung đã tăng lên khoảng 1-3 triệu đồng/m2 tại các vùng ven và ngoại đô thì việc đầu tư xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp càng trở nên khó khăn hơn. Chưa kể những khó khăn về thời gian, thủ tục xin phép và xây dựng, giá cả vật liệu xây dựng tăng, chỉ tính riêng chuyện giá đất tăng cũng đã khiến các doanh nghiệp phải “nghĩ lại”.
Nếu nhìn từ góc độ thị trường, thị trường nhà cho người thu nhập thấp đã gặp khó khăn như vậy thì rõ ràng người dân sẽ phải trông chờ từ yếu tố Nhà nước. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng có không ít trở ngại.
Trong một lần phát biểu trên báo Hà Nội Mới, ông Phạm Xuân Đức - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hà Nội - một trong 2 doanh nghiệp được thành phố giao xây dựng thí điểm nhà ở cho công nhân - cho rằng, trước hết chi phí xây dựng cũng như chi phí quản lý phải được tiết kiệm tối đa bằng cơ chế miễn tiền thuê đất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển vì tiền lãi trả vốn vay ngân hàng thương mại cũng là một loại chi phí được tính vào giá thành xây dựng.
Nhìn từ góc độ Nhà nước, hiện nhiều cấp ngành vẫn chưa coi đó là một thị trường mà đang xem đó là một chương trình. Một chương trình thì còn rất nhiều những hành vi quản lý hành chính như duyệt giá mua, quy trình thủ tục mua và bán..., đương nhiên làm nhiều doanh nghiệp thêm e ngại tham gia.
* Hiện vẫn có khá nhiều ngân hàng thương mại đưa ra các chương trình cho vay để mua nhà hoặc kết hợp với các doanh nghiệp xây dựng bán nhà trả góp. Theo đó người có nhu cầu có thể được vay tới 70% giá trị căn nhà, trả dần trong 10-15 năm, với tỷ lệ lãi suất 1%/năm.
Tuy nhiên, cái khó là ở chỗ để được vay người mua phải có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, chưa kể phải trả trước 30% giá trị căn nhà đó. Và với mức thu nhập như vậy, người dân sẽ không còn là người có thu nhập thấp nữa bởi một lẽ, họ đã là người phải đóng thuế… thu nhập cao.
Theo Hàn Ngọc - VnEconomy