Gỡ vướng gói 30.000 tỷ cho người mua nhà

Cập nhật 27/06/2013 10:34

Bộ Xây dựng vừa có văn bản hướng dẫn việc xác định đối tượng cho vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, trong đó khẳng định các đối tượng là người vay mua nhà không phải chứng minh thu nhập.

>> Bộ Xây dựng hướng dẫn vay mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng

Với việc loại bỏ một số điều kiện như không phải chứng minh thu nhập, nhiều người kỳ vọng sẽ được vay để mua nhà ở xã hội

Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước và năm ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng này, Bộ Xây dựng cũng gỡ vướng nhiều thủ tục cho các đối tượng vay mua nhà. Tuy nhiên, không chỉ người dân mà cả các doanh nghiệp vẫn băn khoăn về việc đưa những quy định mới này vào thực tế.

Không cần chứng minh thu nhập

Điểm mới của văn bản lần này là cả đối tượng mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại diện tích dưới 70m2 giá dưới 15 triệu đồng/m2 đều không ràng buộc phải chứng minh thu nhập.

Cụ thể, đối với người thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội (bao gồm cả nhà ở thu nhập thấp) chỉ cần đáp ứng các điều kiện có hợp đồng thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội đã ký kết với chủ đầu tư sau ngày 7.1.2013 được coi là đủ điều kiện được vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở. Ngoài ra, người mua cần có đủ mức vốn tối thiểu tham gia phương án vay theo quy định và đáp ứng khả năng trả nợ theo điều kiện vay vốn ngân hàng.

Sẽ công khai kết quả giải ngân

Ông Nguyễn Viết Mạnh - vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước - cho biết với văn bản hướng dẫn mới, đối tượng được vay theo gói hỗ trợ lãi suất được làm rõ hơn so với thông tư 07.

Trước đây do vướng tiêu chí “người thu nhập thấp” theo quy định của thông tư 07 nên khi triển khai trong thực tế bị vướng. Cùng với việc mở rộng đối tượng vay này, thủ tục cũng đơn giản hơn vì người vay không còn phải xác minh thu nhập và việc thẩm định năng lực của người vay được giao cho các ngân hàng.

“Việc mở rộng đối tượng này không đồng nghĩa với việc mở rộng điều kiện vay vì các ngân hàng phải đảm bảo tiêu chí thu hồi được nợ, không được làm phát sinh thêm nợ xấu”, ông Mạnh nói, đồng thời cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả giải ngân theo gói cho vay này.

Với người thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 cũng không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập. Trong đó, người lao động tự do kinh doanh cá thể sẽ do UBND phường, xã nơi đối tượng có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở.

Công văn này cũng nói rõ ngân hàng không được phép yêu cầu thêm các thủ tục xác nhận về đối tượng, điều kiện khác. Và khách hàng là hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thuộc đối tượng được vay vốn trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, không cần xem xét dự án đó có được vay vốn trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở hay không.

Đối với doanh nghiệp, đối tượng được vay là chủ đầu tư nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Đi kèm các điều kiện: có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có văn bản chấp thuận đầu tư của cấp có thẩm quyền, đã có đất sạch và giấy phép xây dựng (trường hợp được miễn giấy phép xây dựng phải có văn bản xác nhận của sở xây dựng địa phương nơi có dự án), có mục đích vay vốn để trả các chi phí thực hiện các dự án nhà ở xã hội...

Bộ Xây dựng đề nghị các ngân hàng phối hợp với các chủ đầu tư dự án có nhà ở bán cho khách hàng hướng dẫn người mua được tiếp cận vốn vay, nếu có nhu cầu, tốt nhất là tạo điều kiện để người mua được vay cùng một ngân hàng với chủ đầu tư. Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn, nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày 1.6.2013...

Chờ đi vào thực tế

Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Hồng Thúy, một công chức đang làm thủ tục mua nhà ở xã hội tại TP.HCM, cho rằng nếu quy định mới này được triển khai vào thực tế sẽ tháo gỡ được những vướng mắc mà người dân gặp phải khi làm thủ tục với ngân hàng. Trong đó, đặc biệt là điều kiện cho vay và chứng minh thu nhập. “Nhưng chẳng biết những quy định này có đi vào được thực tế hay không”, bà Thúy nói.

Anh Nguyễn Mạnh Tường (quận 3, TP.HCM), một lao động tự do, cũng khá băn khoăn cho rằng dù bỏ quy định phải chứng minh thu nhập nhưng lại “thòng” thêm “trường hợp ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì khách hàng phải thực hiện theo quy định của ngân hàng”. Theo anh Tường, quy định chắc chắn sẽ gây khó cho những đối tượng như anh, do ngân hàng muốn chắc đồng vốn.

Ông Nguyễn Phụng Thiều, tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn - Gia Định, cho rằng quy định người lao động tự do phải chứng minh thu nhập sẽ gây khó cho đối tượng này. “Chúng tôi sẵn sàng bảo lãnh cho những khách hàng thuộc diện này vay mua, nếu họ không trả nợ chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm với ngân hàng” - ông Thiều nói. Tuy nhiên, ông Thiều cho rằng xác suất khách hàng quỵt nợ rất ít vì họ đã đóng 30% cho chủ đầu tư. Theo ông Thiều, việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vào thực tế chậm trễ như hiện nay là lỗi của các đơn vị tham mưu.

Đề nghị triển khai quyết liệt hơn

Ngày 266, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có công văn kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Theo đó, HoREA khẳng định việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng quá chậm trễ đã làm giảm mục tiêu của gói hỗ trợ là giải quyết hàng tồn kho bất động sản và nợ xấu, tạo điều kiện hỗ trợ tín dụng cho người thu nhập thấp có nhà ở.

Do đó, HoREA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai gói hỗ trợ này đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đảm bảo tính công khai minh bạch. Đối với các dự án nhà ở xã hội khởi công xây dựng mới, đề nghị không cấp tín dụng từ nguồn vốn 30.000 tỷ đồng mà nên sắp xếp nguồn vốn khác.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ