Tại cuộc hội thảo về nhà ở xã hội (NoXH) được Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hôm qua 12-3, nhiều giải pháp nhằm gỡ rối những vướng mắc đã được cơ quan chức năng và chuyên gia đưa ra. Trong đó, tính cộng đồng và giải pháp tài chính cho chương trình an sinh này là trọng tâm cần tháo gỡ.
Cần cả cộng đồng vào cuộc
Dù nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ trong những năm qua, các dự án NoXH vẫn phát triển khá ì ạch. Điều này đã khiến không chỉ người dân mà các cơ quan chức năng cũng thấy sốt ruột.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, chính sách dành cho NoXH đã có sự điều chỉnh toàn diện để có thể thắng sức ì này. Theo ông Hà, việc phát triển NoXH vốn chỉ tập trung các dự án chung cư, nay sẽ bao gồm cả nhà riêng lẻ để phù hợp với vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đối tượng thụ hưởng loại nhà ở này cũng đã mở rộng hơn so với trước, lên đến 8 loại.
“Đối tượng phát triển cũng không dừng ở doanh nghiệp, Nhà nước mà có cả hộ gia đình, cá nhân. Ngoài những ưu đãi đã có, người dân cũng được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để vay vốn” - ông Hà cho biết.
Tổng nhu cầu NoXH từ nay đến năm 2020 khoảng 432.000 căn, tương đương 17,28 triệu m2. Trong khi đó, tổng quỹ nhà ở trên toàn quốc hiện nay chỉ khoảng 1.790 triệu m2. Vì thế, phát triển quỹ NoXH trở thành mục tiêu hàng đầu được đặt ra hiện nay. (Theo báo cáo của Bộ Xây dựng) |
Đồng tình với quan điểm hộ gia đình, cá nhân có thể phát triển loại nhà ở này, bà Lê Diệu Ánh, điều phối Chương trình quỹ phát triển cộng đồng quốc gia (Hiệp hội các đô thị Việt Nam), cho rằng phương pháp cộng đồng cùng làm với sự ủng hộ của chính quyền là rất tốt, thậm chí có thể tiết kiệm được 40% chi phí.
Lấy thí dụ những dự án hiệp hội đã thực hiện tại tỉnh Nghệ An, bà Ánh cho biết giá căn hộ 45m2 từ chỗ 200 triệu đồng đã giảm xuống còn 147 triệu đồng. Về cách thức tiến hành, quỹ phát triển cộng đồng tại các địa phương sẽ có một nguồn vốn ban đầu được tài trợ bởi Liên minh quyền nhà ở châu Á, sau đó sẽ có sự đóng góp của cá nhân, cộng đồng.
Đây là nguồn vốn để xây dựng NoXH dựa trên quyết định của chính quyền và cả cộng đồng. Người dân được thỏa thuận về thời gian trả nợ.
“Điều này cho thấy tiềm năng huy động từ trong dân rất lớn và đây là nguồn vốn chúng ta cần tận dụng” - bà Ánh khẳng định.
Còn theo ông Sameh Naguib Wahba, Giám đốc Ban Phát triển đô thị - WB, NoXH được cấu thành bởi những yếu tố gồm quy định phát triển, đất đai, tài chính phát triển, dịch vụ hạ tầng, công nghiệp xây dựng, tài chính cho người sử dụng cuối cùng… Bất kỳ mắt xích nào trong chuỗi yếu tố này yếu kém đều tác động tiêu cực đến việc phát triển nhà ở.
Kinh nghiệm ở các nước làm tốt NoXH là nhà nước đưa ra được các khoản hỗ trợ tài chính cho người sử dụng cuối cùng; cung cấp được khoảng 50% cho những người có thu nhập thấp nhất các khoản tín dụng ưu đãi để thuê, mua nhà ở, quan trọng nhất là tăng cường khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển NoXH.
Tháo nút thắt 30.000 tỷ đồng
Cùng với việc tháo gỡ những bất cập về mặt chính sách, tăng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cũng là một chủ đề nóng trong việc phát triển NoXH. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tích cực đề ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giải ngân nhanh.
Nhà ở xã hội tại quận 12, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
|