Gỡ rối mối bòng bong cho Tokyo Tower

Cập nhật 29/10/2018 08:37

Câu chuyện lùm xùm dự án Tokyo Tower bị siết nợ và số phận khách hàng mua dự án này như thế nào đang là vấn đề dư luận quan tâm. Bởi đây chính là bài học cảnh báo cho các khách hàng khi đặt niềm tin vào chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính.

Việc toà tháp Tokyo Tower bị siết nợ đã trở thành hiện tượng hy hữu trên thị trường bất động sản. Nguyên nhân là vì đơn vị phân phối cũng như chủ đầu tư dự án đã phát sinh nợ xấu tại ngân hàng.

Câu chuyện nợ xấu của dự án Toà tháp Tokyo Tower do liên danh Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và công ty CP Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư được bắt nguồn từ việc Sông Đà 1.01 vẫn còn nợ 477 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả với PVcomBank.

Tìm cách giải cứu

Khoản vay này nhằm phát triển dự án toà nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor (sau này đổi tên thành Landmark 51 và Tokyo Tower) với hạn mức 600 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của dự án, bốn sàn thương mại toà nhà CT1 Văn Khê và các nguồn thu, tài sản hợp pháp của công ty.

Bên cạnh đó, đối tác phân phối dự án là công ty CP Thương mại Hoàng Vương cũng vay nợ ngân hàng PVcomBank gần 92 tỷ đồng tiền gốc. Tài sản thế chấp để vay vốn là các hợp đồng mua bán căn hộ dự án Vinafor giữa Hoàng Vương và Sông Đà 1.01.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn cộng thêm kinh doanh không hiệu quả nên hai doanh nghiệp này không đủ năng lực tài chính thanh toán cho ngân hàng.

Theo một báo cáo của Sông Đà 1.01, tính đến hết năm 2017, dự án Tokyo Tower mới bán được 299 căn hộ, với tổng tiền về tài khoản đạt xấp xỉ 354 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư cho toàn dự án ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thông tin từ ngân hàng này cho biết ngân hàng sẽ có một lộ trình hoàn thành dự án và bàn giao nhà cho khách hàng.

Theo đó, sau khi chốt được công nợ, ngân hàng sẽ chọn đơn vị đủ năng lực triển khai dự án và đề nghị chủ đầu tư mới đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người mua nhà theo các hợp đồng đã ký.

Khi chủ đầu tư mới chính thức tiếp quản và vận hành tiếp dự án, PVcomBank sẽ có thông báo cụ thể tới khách hàng tiến độ triển khai và thời điểm bàn giao.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, đơn vị nào sẽ dám mạo hiểm nhảy vào giải cứu Tokyo Tower.

Muốn giải cứu được Tokyo Tower, chủ đầu tư mới sẽ phải bỏ thêm 300 tỷ đồng để hoàn thiện dự án. Bên cạnh đó, việc xử lý mối quan hệ với khách hàng đã mua nhà tại dự án sẽ là một bài toán hóc búa, bởi khi niềm tin mất đi thì thu tiền tiếp của những khách hàng này là một thách thức không nhỏ.

Tình trạng ế ẩm của dự án Tokyo Tower cũng có thể coi là hiện tượng hy hữu vì dự án được chào bán trong bối cảnh thị trường bất động sản đang được phục hồi, thanh khoản các dự án trung, cao cấp tiếp tục được cải thiện.


Ai là "anh hùng" cứu "mỹ nhân"?

Theo giám đốc một sàn giao dịch bất động sản lớn trên đường Hoàng Quốc Việt, một trong những lý do dự án Tokyo Tower thanh khoản không tốt là giá khởi điểm 23-24 triệu đồng/m2, cao hơn so với các dự án cùng phân khúc ở cùng khu vực; chủ đầu tư công ty Cp Sông Đà 1.01 chưa phải là doanh nghiệp có tên tuổi lớn trên thị trường bất động sản khi xây tháp cao 51 tầng; cộng thêm dự án ngay sau khi mở bán bị vướng vào chậm tiến độ, vay nợ ngân hàng, khiến cho khách hàng càng e ngại.

Đến thời điểm hiện tại, khi chủ đầu tư không còn khả năng tài chính và khó khăn trong việc tìm kiếm thanh khoản thì ngân hàng thu hồi dự án và dự kiến giao cho chủ đầu tư mới.

Câu chuyện giải cứu dự án điển hình như công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô giải cứu Usilk City của Sông Đà Thăng Long, cho thấy dù là chủ đầu tư có danh tiếng, nhưng công cuộc "giải cứu" vẫn vô cùng gian nan.

Theo như đại diện Hải Phát, về phía khách hàng cũ vẫn còn một bộ phận khách hàng chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi sang chủ đầu tư mới, hoặc cố tình không đồng ý với việc chuyển nhượng dự án sang chủ đầu tư mới.

Về phần bán mới, do việc lan truyền thông tin từ khách hàng cũ nên việc bán hàng của Hải Phát Thủ đô bị ảnh hưởng. Như vậy, câu chuyện của Tokyo Tower cũng không tránh khỏi vết xe của Usilk City kể trên.

Một thách thức nữa, theo vị lãnh đạo này là do dự án đã chuẩn bị hoàn thiện nên khi chủ đầu tư mới mở bán, khách mua nhà sẽ phải đóng cùng lúc một khoản tiền rất lớn. Trong khi đó, nếu mua nhà theo tiến độ tại các dự án đang xây dựng, người mua nhà sẽ giảm được áp lực tài chính.

Bên cạnh đó, nếu so sánh với các dự án cùng khu vực, Tokyo Tower không sở hữu nhiều thế mạnh cạnh tranh như tiện tích, không gian sống, cảnh quan, hạ tầng xã hội… trong khi Tokyo Tower chỉ có một toà tháp, thiếu các không gian công cộng xung quanh.

Tuy nhiên, vị giám đốc này cũng cho rằng mặc dù dự án đang gặp nhiều lùm xùm về vấn đề pháp lý, nhưng nếu chủ đầu tư mới có uy tín, có thương hiệu, tiềm lực tài chính mạnh thì khách hàng vẫn quan tâm đến dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo kinh doanh