Gỡ rối cho bộ mặt đô thị

Cập nhật 12/07/2014 08:55

Dự thảo quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030 vừa được Sở VH-TT&DL Hà Nội công bố nhằm lấy ý kiến đóng góp từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp. Việc xây dựng và ban hành quy hoạch được xem như một động thái nhằm chỉnh trang bộ mặt đô thị, đồng thời chấn chỉnh, đưa các hoạt động vào nền nếp sau một thời gian dài tồn tại bất chấp quy định pháp luật.

Biển quảng cáo sau khi dỡ bỏ, để lại hình ảnh không đẹp

Có “khung” vẫn không theo chuẩn

Theo đánh giá của đơn vị soạn thảo Dự án Quy hoạch quảng cáo ngoài trời, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tồn tại khá nhiều tình trạng quảng cáo trái phép, sai quy chuẩn. Mặc dù văn bản hướng dẫn liên tục ra đời và Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác quy hoạch quảng cáo ngoài trời từ trước khi Luật Quảng cáo ban hành, thế nhưng lộn xộn vẫn hoàn lộn xộn. Rất nhiều các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy định về kích thước, vị trí, giấy phép, gây ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới an toàn giao thông, tăng nguy cơ cháy nổ. Ngay công tác quản lý đối với quảng cáo ngoài trời cũng có nhiều bất cập như không tiến hành xử lý triệt để, nể nang, thủ tục cấp phép chồng chéo, chưa áp được các chế tài khi vi phạm xảy ra.

Mục tiêu mà Ban soạn thảo hướng tới nhằm có được một quy hoạch dài hạn, chuẩn xác về không gian, lập hệ thống quản lý quảng cáo ngoài trời như: quảng cáo tấm lớn, hệ thống điểm treo băng - rôn hiệu quả, khoa học, cải tạo cảnh quan, diện mạo đô thị, hạn chế bất cập, rủi ro và các yếu tố không an toàn có thể xảy ra. Ngoài việc thống kê các tuyến đường cao tốc đã đưa vào sử dụng nhưng chưa xây dựng quy hoạch, Dự thảo này cũng sẽ tiếp tục rà soát lại các tuyến đường đã quy hoạch từ nhiều năm trước đây như Bắc Thăng Long - Nội Bài, Quốc lộ 5, Quốc lộ 1A, Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tất cả đều được xác định tọa độ, mã hóa vị trí, đảm bảo quản lý thuận tiện, đồng thời quy định cụ thể kích thước mặt biển quảng cáo, chất liệu, kiểu dáng, chiều cao bảng, cùng khoảng cách.

Sẽ không có quảng cáo tồn tại trong các công viên có truyền thống lịch sử như Thống Nhất hay Bách Thảo… bởi đây là nơi vui chơi, thư giãn của người dân. Song đối với các công viên thương mại như Gamuda Yên Sở hay Bảo Sơn… vẫn có thể lắp dựng quảng cáo, diện tích nhỏ hơn 40m2. Dự thảo quy hoạch cũng xác định, không lắp dựng biển quảng cáo tại 10 cầu vượt đường bộ nội thành Hà Nội.

Để không “đánh đố” doanh nghiệp

Theo ông Phạm Thành Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội, đa phần các hoạt động quảng cáo ngoài trời đều liên quan đến giao thông, vì thế nhất thiết phải bổ sung quy hoạch giao thông. Ngoài việc hoàn thiện quy hoạch và áp dụng vào thực tế, cần rà soát lại hiện trạng cũ, thống kê số lượng các biển, bảng quảng cáo đang hoạt động. Hiệu quả đến đâu phải có tổng kết rõ ràng, tránh việc tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp quảng cáo, đồng thời cũng là cách để họ “tâm phục khẩu phục” khi bị dỡ biển. Ông Phạm Thành Minh cũng gợi ý, nếu gắn chíp định vị cho các cột quảng cáo tấm lớn thì công tác quản lý sẽ dễ dàng hơn, chỉ cần dùng máy tính nối mạng là có thể kiểm tra chính xác vị trí, hiện trạng.

Ông Nguyễn Trọng Duy- Trưởng phòng Văn hóa quận Long Biên lại đưa ra quan điểm rằng, đã có yêu cầu cụ thể cho quảng cáo thương mại, nhưng cũng cần có cơ chế cho hoạt động quảng cáo các nhiệm vụ chính trị. Nhiều khi trên địa bàn quận Long Biên cần vị trí tuyên truyền cho các hoạt động chính trị chỉ vài hôm thôi nhưng đi tìm các doanh nghiệp, vận động dỡ để mượn địa điểm khó vô cùng. Nếu thân thiết thì họ hợp tác, còn không thì tìm cách thoái thác. Nếu Phòng Văn hóa tự ý dỡ xuống là… to chuyện. Ông Nguyễn Trọng Duy cũng đề xuất, nếu quảng cáo trên địa bàn nào, Sở VH-TT&DL - đơn vị cấp phép cần thông báo cho quận, huyện đó về chủ doanh nghiệp quảng cáo để có thể nắm được đầu mối.

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết, Dự thảo Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi trước khi hoàn thiện và ban hành. Việc quy hoạch này được xem như việc làm hiệu quả để cảnh quan Hà Nội bớt rối và quy củ hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo ANTĐ