Gỡ rào cho các dự án “treo”, TP. HCM giơ cao đánh khẽ?

Cập nhật 14/11/2014 08:43

Từng đưa ra thông điệp mạnh mẽ sẽ rà soát nghiêm túc và kiên quyết thu hồi các dự án treo, dự án chậm tiến độ, nhưng mới đây, TP. HCM lại yêu cầu các ban, ngành tìm cách gỡ rào cho các dự án này.


Thủ tục hành chính và cách tính thuế tiền sử dụng đất là những khâu mà các chủ đầu tư bất động sản bị vướng nhiều nhất - Ảnh minh họa: Lê Toàn

Báo cáo của Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, trong 1.403 dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố, có đến 49% đang trong tình trạng không triển khai hoặc đình trệ. Còn theo số liệu được lãnh đạo TP. HCM đưa ra khi trao đổi với báo chí về những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của Thành phố diễn ra chiều 30/9, trên địa bàn TP. HCM có khoảng 1.200 dự án chậm triển khai.

Theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, trên địa bàn TP. HCM hiện cũng ngổn ngang dự án trùm mềm và trải đều ở nhiều quận, huyện như Thủ Đức, quận 9, quận 1, quận 7, Gò Vấp, Nhà Bè, Tân Phú, Bình Tân… Trong đó, có những dự án treo tới hơn 7 năm như Dự án Richland Hill (quận 9) do Công ty Thương mại và dịch vụ Hào Quang và CTCP Hiệp Phú Thịnh làm chủ đầu tư.

Trao đổi với báo chí trước đó, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng UBND TP. HCM từng cho biết, Thành phố đang có những giải pháp mạnh tay đối với các dự án “treo”, dự án chậm triển khai. Sau khi rà soát, Thành phố đã thu hồi 536 dự án, với tổng diện tích 5.400 héc-ta. Với những dự án chậm tiến độ nhưng chưa bị thu hồi do chủ đầu tư đền bù kiểu chưa đến đâu hoặc đã đền bù trên 50%, nhưng thực chất quyền lợi của người dân nằm trong dự án vẫn bị "treo", Thành phố sẽ tiếp tục rà soát một cách nghiêm túc và sẽ kiên quyết thu hồi.

Tưởng rằng, sau thông điệp mạnh mẽ này, nhiều dự án "treo" tại TP. HCM sẽ bị thu hồi nhằm làm trong lành môi trường đầu tư, đảm bảo quyền lợi của người dân sống ở trong hoặc gần các dự án này, thì bất ngờ mới đây, ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, Thành phố đã giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo Chính sách Nhà ở và thị trường bất động sản TP. HCM trong 3 tháng còn lại của năm 2014 và năm 2015 phải tìm giải pháp giúp các dự án đang phát triển có thể triển khai tốt hơn, đồng thời tiếp tục tìm hướng để giải quyết các dự án đình trệ.

Theo đó, Ban chỉ đạo giải quyết kiến nghị theo 3 nhóm: Nhóm 1 là các kiến nghị được gửi lên Trung ương, đã được nghiên cứu, bổ sung trong các Nghị định, Nghị quyết. Có những điểm không phù hợp với điều kiện của Thành phố, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị tiếp. Nhóm 2 là nhóm đang báo cáo Trung ương, nhóm này sẽ được hệ thống lại. Nhóm 3 là những kiến nghị mới, xuất phát từ thực tế của Thành phố. Nhóm này sẽ được chuẩn bị nội dung để bàn bạc, thảo luận và tiếp tục kiến nghị.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, để gỡ rào cho 49% dự án đình trệ, nhiều nội dung đề xuất sẽ nằm ở nhóm 2 và 3. Phải mổ xẻ nhiều vấn đề để có kiến nghị, đề xuất phù hợp nhất.

Về những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo các sở, ngành phải tổng kết thời gian triển khai của một dự án, chỗ nào, khâu nào vướng, thì sở, ngành đó sẽ phải cắt giảm thời gian để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sau đó, Thành phố sẽ tổ chức bàn bạc để thống nhất cách làm.

Về vấn đề thuế và tiền sử dụng đất, bà Lê Thị Tám, Phó cục trưởng Cục thuế TP. HCM chia sẻ, Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2014, nhưng cơ chế chính sách của các bộ còn có một vài điểm chưa được liên thông, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và các cơ quan thực thi.

Với động thái trên của TP. HCM, xem ra nhiều dự án treo trên địa bàn Thành phố chưa bị thu hồi có thể sẽ tiếp tục tồn tại thời gian dài nữa, bởi thời gian ra được chính sách không ngắn, trong khi thời gian để đưa chính sách vào cuộc sống thì chưa thể nói trước.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản