Gỡ rào cản thủ tục hành chính

Cập nhật 17/09/2015 13:12

Luật Nhà ở năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2015, đã có những quy định thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Tuy vậy vẫn còn nhiều rào cản khiến luật chậm đi vào cuộc sống.


Lách do luật chưa chặt chẽ

Luật Nhà ở năm 2005 bước đầu đã có quy định về công nhận quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam, nhưng phạm vi quy định còn hạn chế, chỉ giới hạn trong lĩnh vực xây dựng nhà tại Việt Nam để đầu tư và bán cho các đối tượng được phép sở hữu nhà ở. Những quy định đó đã không đáp ứng được nhu cầu sở hữu nhà để ở của cá nhân nước ngoài trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam trong thời gian qua. Đến khi Nghị quyết 19/2008/QH12 được ban hành, đã có quy định cụ thể về vấn đề cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, nghị định này cũng chỉ cho phép một số đối tượng người nước ngoài nhất định được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Đến năm 2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai theo hướng cởi mở hơn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải thuộc các đối tượng có quốc tịch Việt Nam, có gốc Việt Nam về đầu tư tại Việt Nam; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt… được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam… Mặc dù vậy, tình hình sở hữu nhà của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam tính đến nay vẫn rất ảm đạm.

Có thể nói, các quy định tại Luật Nhà ở 2005 đã làm cản trở không nhỏ đến vấn đề sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài. Theo đó, trong 5 năm (2009-2014), mới có hơn 400 người là Việt kiều và nước ngoài mua được nhà ở tại Việt Nam. Đây là con số rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của đối tượng này muốn về Việt Nam sinh sống, đầu tư làm ăn. Từ những khó khăn, rào cản trong chính sách pháp luật về nhà ở đã dẫn đến việc lách luật. Đó là một số Việt kiều, người nước ngoài bỏ tiền mua nhà ở Việt Nam nhưng nhờ người khác đứng tên quyền sở hữu nhà. Việc nhờ người khác đứng tên sở hữu nhà chứa đựng rất nhiều rủi ro, đặc biệt khi người được nhờ đứng tên đã bán căn nhà và không có tài sản nào khác để hoàn trả.

Sớm ban hành nghị định, văn bản hướng dẫn

Luật Nhà ở 2014 cho phép người nước ngoài sở hữu hoặc cho thuê tối đa 30% căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc tối đa 250 biệt thự/nhà liền kề. Đồng thời luật cũng cho phép người nước ngoài được đăng ký sở hữu BĐS trong vòng 50 năm, đồng nghĩa với việc họ có quyền lợi như công dân Việt Nam trong việc cho thuê lại, thế chấp, chuyển nhượng, hoặc thừa kế… Những sửa đổi mới này không chỉ phù hợp với xu thế hội nhập mà còn tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Bởi khi được sở hữu nhà, người nước ngoài đầu tư, làm ăn ở nước ta sẽ yên tâm gắn bó lâu dài, chính sách mở cửa cho người nước ngoài mua nhà sẽ giúp thị trường BĐS có thêm nguồn cầu rất lớn.

Tuy nhiên, các quy định trên dù đã mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài trong việc mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam, song vẫn còn một số điểm cần được quy định lại cho phù hợp với thực tế. Thí dụ, quy định, người nước ngoài chỉ được mua 30% căn hộ trong một chung cư và tối đa 250 căn nhà riêng lẻ trên một phường hoặc xã, sẽ không phù hợp đối với các khu vực trọng điểm làm ăn, sinh sống của người nước ngoài. Đơn cử, nhiều nơi ở phường Thảo Điền (quận 2) hoặc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc nhưng với mức quy định hiện tại rõ ràng không đủ so với nhu cầu của họ. Mặt khác, các văn bản luật chính thức chưa được chuyển ngữ sang các ngôn ngữ quốc tế nên gây khó khăn cho người nước ngoài tìm hiểu luật.

Những bất cập trên khiến khách hàng ngoại vẫn đang trong trạng thái tâm lý chờ đợi những quy định dưới luật được hướng dẫn như thế nào rồi mới quyết định. Các rào cản về mặt thủ tục hành chính cũng là nguyên nhân gây nên tâm lý e ngại cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Thí dụ, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sau nhiều năm, khi quay về Việt Nam mua nhà phải làm thủ tục xác minh nguồn gốc mất khá nhiều thời gian.

Ngoài ra, cũng có nhiều khách hàng nước ngoài còn e ngại về thời hạn sở hữu nhà tại Việt Nam hoặc phương thức thanh toán khi mua nhà, vay ngân hàng… Vì vậy, dù luật mới đã có cơ chế cởi mở hơn nhưng để có thể kích thích nhu cầu khách hàng là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thị trường nhà ở, trong thời gian tới cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 theo hướng đơn giản, ngắn gọn, thuận tiện...

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư