Khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đang tiếp tục được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả khu vực đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Báo DĐDN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xung quanh vấn đề này.
Theo ông Thể, việc phát triển các dự án giao thông theo hình thức đối tác công - tư PPP (BOT, BT) là giải pháp tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng.
- Thưa ông, tính riêng ngành GTVT, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là 953.000 tỷ đồng, trong khi khả năng cân đối vốn nhà nước cho giai đoạn chỉ được khoảng 1/5. Do đó, hợp tác theo hình thức PPP là cách duy nhất chúng ta cần nhất quán thực hiện. Vậy, ông có thể cho biết, nhu cầu vốn theo hình thức PPP, đặc biệt với các hợp đồng BOT năm 2018 và giai đoạn 2018 -2020?
Đúng vậy, giai đoạn từ nay đến 2020, Bộ GTVT tập trung lựa chọn đầu tư các dự án theo thứ tự ưu tiên phù hợp với từng hình thức đầu tư dựa trên lợi thế, đặc điểm của từng vùng cũng như tính cấp thiết của từng dự án.
Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT, để đảm bảo quyền lựa chọn của người dân, chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Tất cả các đề xuất đều sẽ được xem xét, giải quyết, nhất là các tuyến đường mới kết nối các đường cao tốc, các cầu thay thế các bến phà, các dự án bến bãi đậu xe…
Trong giai đoạn 2017 - 2020, chủ yếu tập trung thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội thông qua, với nhu cầu vốn đầu tư hàng năm khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công 55.000 tỷ đồng và huy động từ tư nhân đầu tư theo hình thức BOT khoảng 63.716 tỷ đồng. Với ngành Hàng không, huy động vốn xã hội đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các cảng hàng không, nhất là cảng hang không quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cát Bi,… Với ngành Hàng Hải và Đường thủy nội địa, sẽ huy động vốn xã hội nâng cấp, xây dựng mới các cảng, hệ thống kho bãi, logistics. Với ngành Đường sắt, xây mới các tuyến đường sắt đô thị, hiện đại hóa nhà ga… Bộ GTVT hy vọng sẽ thu hút nhiều nhất nguồn vốn cho ngành GTVT.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tổng mức đầu tư phần BOT là 14.020 tỷ đồng, yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 2.800 tỷ đồng. Ảnh: S.T
|
- Ông đã chia sẻ rằng, sẽ tập trung ưu tiên giải quyết các vướng mắc của dự án BOT giao thông nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước, doanh nghiệp vận tải và người dân. Chắc hẳn, Bộ đã có những giải pháp cụ thể để “giải tỏa” bất cập trong thực hiện các dự án BOT?
Đối với việc xử lý bất cập của các dự án BOT hiện nay, Bộ GTVT đã chủ động hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến việc rà soát, đánh giá lại tổng mức đầu tư, mức giá và thời gian thu giá các dự án công trình giao thông theo hình thức BOT. Đồng thời, Bộ cũng gửi văn bản đề nghị các địa phương rà soát những bất cập tại các dự án BOT trên địa bàn và đề xuất các giải pháp xử lý.
Bộ GTVT đã tiến hành phối hợp với Bộ KH - ĐT và các bộ, ngành liên quan xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để trình Quốc hội.
Tính đến thời điểm này, 51 dự án BOT đang thu giá đã có giá trị thỏa thuận quyết toán toàn bộ hoặc một phần. Bộ GTVT đã xử lý 45/50 dự án theo thẩm quyền, đạt khoảng 91,84 %, còn lại 5 dự án đang đàm phán giảm giá. Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về giảm chi phí cho doanh nghiệp, trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng và mức giảm, Bộ GTVT đã rà soát 70 dự án BOT và đã xử lý giảm giá vé các xe loại 4 và loại 5 (các xe tải lớn chịu mức giá cao) của 35 dự án; giảm mức phí thấp hơn mức trung bình 27 dự án; còn 11 dự án chưa giảm do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến, nếu giảm giá thì phương án tài chính không khả thi, phía nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng cũng chưa đồng ý giảm giá. Như vậy, nhiệm vụ Thủ tướng giao Bộ GTVT, cơ bản đã hoàn thành.
Tuy nhiên, những bất cập trong thực hiện các dự án BOT hiện nay, nếu chỉ có Bộ GTVT đơn phương tìm kiếm các giải pháp giải quyết, tháo gỡ là chưa đủ. Đây là vấn đề không chỉ thuộc trách nhiệm của Bộ mà liên quan đến nhiều Bộ, Ngành TƯ, Chính quyền các địa phương, cũng như những người trực tiếp tham gia giao thông.
- Nhưng qua hơn 5 năm triển khai, phần lớn các dự án BOT giao thông đều dựa vào vay vốn từ các tổ chức tín dụng, chủ đầu tư chỉ góp vốn 10 - 15%... Điều này theo ông cần xử lý ra sao, thưa ông?
Hiện Bộ GTVT đã và đang triển khai một số các giải pháp sau: Thứ nhất, chủ động tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2011-2016. Kiến nghị Chính phủ định hướng “Đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực của xã hội, trong đó có sự tham gia của tư nhân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông mới” thông qua các hình thức thực hiện hợp đồng đối tác công - tư (BOT, BT).
Thứ hai, đề xuất Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư; định hướng việc xây dựng, ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã giao cho các Bộ, Ngành liên quan xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để trình Quốc hội xem xét; đồng thời chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 15/2015/NĐ-CP, 30/2015/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn liên quan đến vấn đề quản lý, khai thác và bảo bảo trì công trình BOT, kịp thời tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách trong đầu tư công - tư.
Thứ ba, lựa chọn những giải pháp, các nhà đầu tư tốt, có uy tín, trách nhiệm và năng lực thực hiện dự án BOT, để các tổ chức tín dụng yên tâm, tin tưởng cho vay vốn thực hiện. Một số giải pháp cụ thể, được áp dụng ngay trong đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam mới được Quốc hội thông qua, bao gồm: Việc lựa chọn nhà đầu tư đối với tất cả các dự án BOT phải thông qua đấu thầu công khai, minh bạch và đảm bảo triệt để tính cạnh tranh. Mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu là 20% tổng vốn đầu tư. Áp dụng hình thức thu kín; đồng thời, sử dụng công nghệ thu giá tự động và hệ thống giám sát trực tuyến về lưu lượng xe để chống thất thu, thực hiện công khai các số liệu thu giá: mức giá, thời gian thu giá dịch vụ, tổng vốn đầu tư...
Bố trí các Ban QLDA trực thuộc Bộ theo dõi chặt chẽ từng dự án BOT, kiên quyết xử lý nghiêm các nhà đầu tư chậm tiến độ, không đảm bảo khả năng tài chính và kinh nghiệm.
- Trên thực tế, Việt Nam có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên năng lực tài chính yếu. Mặt khác, việc siết chặt vốn cũng như tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia dự án nhiều hơn 10-15% như trước đây cho các dự án BOT, BT khiến nhà đầu tư trong nước khó có thể tham gia. Bộ có chiến lược thu hút dòng vốn nhà đầu tư ngoại như thế nào?
Trong thời gian qua, các nhà đầu tư thực hiện dự án Việt Nam, cơ bản vẫn là trong nước. Tới đây, nếu tăng yêu cầu nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lên tối thiểu 20% (thay vì 10-15% ) thì khả năng đáp ứng về năng lực tài chính của nhà đầu tư trong nước càng khó khăn. Do đó, cần có chiến lược thu hút dòng vốn ngoại, là giải pháp phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng. Muốn làm được điều đó, việc trước hết phải xây dựng được hành lang pháp lý cùng với môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã tiến hành phối hợp với Bộ KH - ĐT và các bộ, ngành liên quan xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để trình Quốc hội. Trước mắt, trình Chính phủ sớm điều chỉnh Nghị định 15/2015/NĐ-CP, 30/2015/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn để hạn chế tối đa những bất cập về chính sách. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng chiến lược thu hút dòng vốn nhà đầu tư ngoại vào kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP có hiệu quả cao nhất.
- Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp