Gỡ khó cho dân vùng quy hoạch “treo”

Cập nhật 04/07/2012 08:30

Dân trong vùng đã quy hoạch các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nhưng chưa đầu tư hạ tầng sẽ được sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm, làm nhà cửa cấp bốn...

Ngôi nhà của bà Võ Thị Phao đã xuống cấp nhưng không thể sửa chữa vì nằm trong vùng triển khai của dự án KCN Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) - Ảnh: Duy Thanh

Ông Nguyễn Chiến Thắng - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương ở tỉnh này thực hiện giải pháp như vậy để giải quyết khó khăn cho dân khi nhiều KCN, CCN được quy hoạch nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn trong tình trạng bị “treo”.

Để dân bớt khổ

Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong và Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa, đến cuối tháng 6-2012 trên địa bàn tỉnh này có năm KCN được quy hoạch, nhưng đến nay mới chỉ KCN Suối Dầu đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng và hoạt động kinh doanh, một KCN đang xây dựng hạ tầng, còn lại vẫn đang thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư. Khánh Hòa cũng có 11 CCN được quy hoạch, nhưng chỉ có mới hai CCN hoạt động, các CCN còn lại đang triển khai đầu tư hạ tầng hoặc chưa làm gì.

Tại hội nghị về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, KCN, CCN tỉnh Khánh Hòa vừa được tổ chức, ông Nguyễn Chiến Thắng kết luận: “Giải pháp hiện nay là chúng ta giữ lại tất cả những KCN, CCN đã được quy hoạch nhưng không để đất lãng phí, mà tạo điều kiện để dân nuôi trồng thủy sản, trồng lúa hay cây lâu năm, cho bà con xây dựng nhà và công trình cấp bốn để dân bớt khó khăn. Ở những khu đã được quy hoạch này, nếu doanh nghiệp nào muốn đầu tư thì cứ cho họ vào trước, không đợi Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng KCN hoàn chỉnh mới mời chào doanh nghiệp”.

Ngày 2-7, ông Huỳnh Ngọc Bông - chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết sắp tới thường trực UBND tỉnh sẽ có ý kiến cụ thể kế hoạch và thời gian triển khai chủ trương này.

Mừng nhưng vẫn... xót


Tình trạng nhiều KCN, CCN quy hoạch xong rồi “treo” khiến người dân trong vùng đối mặt với hàng loạt khó khăn, do vậy khi biết thông tin tỉnh có giải pháp gỡ “nút thắt” cho vấn đề này, nhiều người dân thở phào. Bà Võ Thị Phao (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh), một trong các hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng trong quy hoạch xây dựng KCN đa ngành Vạn Thắng, vui mừng: “Vậy là tôi và nhiều người khác ở đây có thể làm nhà cấp bốn để ở cho đàng hoàng rồi”.

KCN Vạn Thắng được quy hoạch từ năm 2005 trên diện tích khoảng 150ha của hai thôn Tân Dân 1, Tân Dân 2 (xã Vạn Thắng) và thôn Ninh Lâm (xã Vạn Khánh). Năm 2006, UBND huyện Vạn Ninh ra quyết định thu hồi đất của 235 hộ dân để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư Hàn Quốc làm hạ tầng, thế nhưng đến nay KCN này vẫn chưa xây dựng gì trong khi dân phải sống trong chật vật. Ngôi nhà vách đất mà bà Võ Thị Phao ở cùng năm con xuống cấp đến mức tưởng chỉ cần vài cơn gió mạnh là có thể đổ sập.

“Nhà cửa hư hỏng vậy nhưng huyện không cho sửa chữa, xây dựng lại vì nằm trong quy hoạch làm KCN. Sáu mẹ con phải chui rúc tạm bợ hết ngày này sang ngày khác, mỗi khi mưa gió lớn là phải bỏ chạy sang nhà hàng xóm lánh nạn” - bà Phao thổ lộ.

Nhiều hộ dân khác ở đây cho biết do không trồng được cây lâu năm vì sẽ không được đền bù, không làm được sổ đỏ đất đai để có thể thế chấp ngân hàng làm ăn đành phải bỏ vườn, bỏ rẫy đi làm thuê làm mướn... Giờ có chính sách mới, người dân có thể trở lại canh tác trên đất đai của mình.

Mừng là vậy, nhưng nhiều người không giấu những băn khoăn, xót xa. Ông Đào Văn Sáng, 72 tuổi, chỉ vườn điều rộng hơn 1ha đã hơn năm năm tuổi nhưng trông như một khu rừng rậm vì đã lâu không tỉa cành, làm cỏ..., nói: “Từ khi nhận quyết định thu hồi đất năm 2006 tới giờ tôi không dám bỏ công sức để chăm sóc vườn điều nữa vì không biết ngày nào đất bị thu hồi để làm KCN. Phải chi Nhà nước nói chính xác chừng nào làm KCN để dân tiếp tục sản xuất trên miếng đất của mình, thu lại phần nào vốn liếng đã đầu tư thì đời sống chúng tôi đâu khó khăn như mấy năm nay. Giờ cho làm lại, tôi không biết cải tạo vườn điều này ra sao. Rồi những thiệt hại kéo dài nhiều năm qua của chúng tôi ai chịu trách nhiệm?”.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ