Gỡ “điểm nghẽn” đất đai nông nghiệp

Cập nhật 01/08/2017 14:45

Chính sách hạn điền bất cập được xem là “điểm nghẽn” của đầu tư nông nghiệp. Để khắc phục, Thủ tướng Chính phủ cho rằng sẽ sửa hạn điền mà không sửa những vấn đề bản chất của Luật Đất đai. Những đột phá về chính sách nhằm tạo cú hích cho nông nghiệp không thể không đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ các nút thắt về đất đai.

Có một “điệp khúc muôn thuở” được các doanh nghiệp (DN) than thở khi rót vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đó là: thiếu đất. Một chủ DN mía đường ở miền Trung phân trần rằng ở nhiều nơi, nông dân bỏ ruộng nhưng nhà máy muốn thuê cũng không xong. Vì vậy, để tích tụ được 100 – 200ha trồng nguyên liệu, DN phải bỏ ra cả trăm tỷ đồng.

Không còn “đất trống”

Điển hình như việc đầu tư của DN vào nông nghiệp hữu cơ khi nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch này hiện nay đang rất lớn. Nhưng diện tích đất nuôi trồng hữu cơ của Việt Nam còn lại rất khiêm tốn, số liệu chính thức từ năm 2015 cho thấy chỉ vỏn vẹn hơn 76.000ha.

Theo lưu ý của ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, trở ngại lớn nhất trong nhân rộng và tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay là vấn đề đất đai, bởi vì việc quy hoạch sản xuất theo quy trình này đòi hỏi phải có diện tích lớn và phải có khu vực đất sạch, cách ly với những quy trình sản xuất nông nghiệp thông thường.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp, đang rất cần, nhưng cũng rất thấp. Giai đoạn 2009 – 2013, tỷ lệ dự án và vốn đầu tư tăng nhẹ so với 5 năm trước, chiếm lần lượt là 1,61% và 0,55%. Các lĩnh vực thu hút FDI chủ yếu là trồng trọt, thủy sản và chế biến nông, lâm sản. Nhiều dự án FDI đang trong tình trạng triển khai chậm.

Đối tác đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn chưa đa dạng, chủ yếu đến từ châu Á (Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…). Các nhà đầu tư của những quốc gia lớn có thế mạnh về nông nghiệp như Mỹ, Canada, Australia và các nước châu Âu đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều.

Tháng 6/2017, khi các đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả hạn chế của vốn FDI vào nông nghiệp kéo dài 30 năm nay là do đất đai nhỏ lẻ và manh mún.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần 2 – 2017 diễn ra ở Hà Nội ngày 31/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lưu ý những vấn đề bất cập của tình trạng thiếu đất đầu tư cho nông nghiệp hiện nay.


Thiếu quỹ đất lớn là rào cản thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào nông nghiệp

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh sẽ sớm trình Quốc hội sửa chữa một số điểm trong Luật Đất đai hiện hành theo hướng sửa quy định về hạn điền nhằm phá “điểm nghẽn” lớn này, tuy nhiên sẽ không sửa những vấn đề bản chất của Luật Đất đai.

Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số khoảng 33,1 triệu ha diện tích đất tự nhiên, diện tích đất đã có người sử dụng là 26,8 triệu ha, chiếm 81,08%; diện tích đất được Nhà nước giao cho các đối tượng quản lý là 6,2 triệu ha, chiếm 18,92% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước.

Vì vậy, Việt Nam hầu như không còn tình trạng “đất trống” để có thể “khai hoang lập ấp” nữa và đây cũng là thách thức lớn cho DN đầu tư vào nông nghiệp với diện tích đất lớn.

Cần thị trường đất năng động

Thống kê cho thấy, nếu như năm 2014 có 3.844 DN nông nghiệp thì đến năm 2015, số DN nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 3.640 DN, chiếm tỷ lệ chưa tới 1% so với tổng số DN trên cả nước, trong đó 90% là DN nhỏ.

Nguyên nhân của việc tích tụ đất đai diễn ra chậm, theo nhóm nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương và USAID, là do các rào cản về chính sách như: quy định về thời hạn sử dụng đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Mặt khác, lý do còn ở những hạn chế của việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, của tổ chức kinh tế cũng như quyền nhận quyền sử dụng đất, thuê đất nông nghiệp của DN FDI.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: quy hoạch sử dụng đất chất lượng thấp, thường xuyên thay đổi dẫn đến người sử dụng đất không yên tâm đầu tư vì sợ Nhà nước thu hồi bất cứ khi nào.

Hơn nữa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy định quá chặt chẽ, không phù hợp với cơ chế thị trường nên khi muốn thay đổi cơ cấu cây trồng trên đất của mình, người sử dụng đất phải xin phép chính quyền, vừa mất chi phí vừa mất thời gian và thời cơ kinh doanh.

Theo giới chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường đất nông nghiệp năng động hơn sẽ khuyến khích được quá trình tập trung đất đai trong một số vùng, từ đó tạo điều kiện để các trang trại, DN tăng đầu tư vào nông nghiệp. Tập trung đất đai cũng sẽ tạo điều kiện tăng cường cơ giới hóa, yếu tố đang ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh chi phí nhân công tăng.

Thực tế, thời gian qua, Nhà nước đã dành những diện tích lớn đất tại khu vực đồng bằng để gieo trồng cây lương thực chính của Việt Nam là lúa gạo. Tuy nhiên, chính sách lúa gạo đã dẫn đến việc Việt Nam vượt xa các chỉ tiêu đề ra về an ninh lương thực, tạo ra nguồn thặng dư khổng lồ cho xuất khẩu trong khi kim ngạch xuất khẩu lúa gạo chỉ mang lại nguồn thu nhỏ cho nông dân và cho đất nước.

Theo WB, Việt Nam hiện đã nhận thức được cái giá phải trả của những hạn chế chính sách về đất lúa. Nhà nước đã đề ra mục tiêu chuyển đổi một số diện tích đất lúa. Nghị định 35 đề ra quy định tạo sự thông thoáng hơn cho nông dân và các lãnh đạo địa phương trong việc chuyển đổi đất sang các mục đích nông nghiệp khác hoặc thực hiện luân canh, xen canh.

Vấn đề đáng bàn là chính sách hiện vẫn hạn chế chuyển đổi đất lúa sang các mục đích sử dụng lâu dài như trồng cây lâu năm. WB khuyến nghị cần xem xét lại những quy định này sau khi đánh giá tác động của các cải cách hiện nay.

Như đã nêu, trong dài hạn, sẽ có tới trên 1/3 diện tích đất lúa hiện nay được chuyển đổi sang các mục đích sử dụng đất nông nghiệp và những dịch vụ sinh thái khác. Giới chuyên gia dự báo loại hình chuyển đổi này sẽ đem lại những lợi ích rất đáng kể và nâng cao tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh