Gỡ bất cập thể chế, ngành xây dựng sẽ phát triển bền vững

Cập nhật 22/02/2015 08:21

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, thực tiễn hóa các đột phá về thể chế sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng trong năm 2015.

Hoàn thiện khung thể chế pháp lý được coi là cơ sở nền tảng cho việc thực hiện thành công các chủ trương, giải pháp để phát triển lành mạnh, bền vững ngành xây dựng. Năm 2014, ngành đã có bước đột phá khi trình và được Quốc hội thông qua 3 Luật quan trọng là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Tiếp theo sự đột phá này, năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ làm gì để những chính sách đột phá đó thực sự có tác động tích cực trong thực tiễn? Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ cùng VOV.VN nhân dịp Xuân mới Ất Mùi về những công việc trọng tâm của ngành đặt ra.

* Nếu nói về kết quả nổi bật nhất của ngành Xây dựng trong năm 2014, Bộ trưởng sẽ nói về điều gì và ông còn trăn trở nhất điều gì?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Năm 2014, Bộ Xây dựng đã được Quốc hội thông qua 3 luật: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá. Tôi tin rằng, với những văn bản pháp luật này sẽ góp phần tạo lập hành lang pháp lý hoàn chỉnh để quản lý ngành xây dựng hiệu quả, đặc biệt là nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở cho người người nghèo…

Sau một thời gian thực hiện tốt Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, có thể nói thị trường bất động sản năm 2014 đã có sự tăng trưởng tích cực: cơ cấu sản phẩm phù hợp với người dân, lượng giao dịch tăng mạnh, tồn kho bất động sản giảm, tín dụng bất động sản tăng liên tục… Đây sẽ là bước đà để 2015 thị trường bất động sản sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, các chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp, nhân dân vùng bão lũ miền trung… đang đi đúng hướng với những kết quả tích cực, được người dân hết sức ủng hộ.

Điều tôi vẫn trăn trở là dù đã tích cực phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, giúp cho hàng chục nghìn người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp có nhà ở. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều gia đình có khó khăn về nhà ở, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung. Phần lớn công nhân phải thuê nhà ở trong khu dân cư, đời sống rất khó khăn, tạm bợ... Nhưng hiện nay có rất ít doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân thuê.

* Cả nước đang tưng bừng chào Xuân, nhưng chúng ta cũng không quên những vụ tai nạn, sự cố liên tục xảy ra thời gian qua có liên quan đến hoạt động xây dựng. Xin Bộ trưởng đánh giá tác động của các sự cố đó đến công tác quản lý đầu tư, chất lượng công trình xây dựng ở nước ta?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Những sự cố, tai nạn xảy ra một điều đáng tiếc. Nó thúc bách công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng ngày càng hoàn thiện, nghiêm ngặt hơn nữa của mọi cấp, ngành liên quan, không riêng gì Bộ Xây dựng.

Vừa qua, các vụ việc, sự cố xảy ra đã được Bộ kịp thời chỉ đạo kiểm tra, tổ chức giám định xác định làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm đồng thời hướng dẫn xử lý, khắc phục. Điển hình tại các sự cố: vỡ đường ống nước Sông Đà, nứt trụ Cầu Vĩnh Tuy, vỡ đê quây Thủy điện Iakrel 2, sập trần treo nhà thi đấu Phan Đình Phùng, sập hầm Thủy điện Đạ Dâng...

Thời gian qua, công tác quản lý đầu tư xây dựng đã được tăng cường, góp phần tích cực chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Đồng thời, với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, trọng tâm là quản lý chất lượng công trình và quản lý chi phí xây dựng.

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Xây dựng đã được Quốc hội thông qua đó là đề cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý đầu tư xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng, nâng cao hiệu quả công trình xây dựng, tránh thất thoát lãng phí. Luật Xây dựng được coi là một cái khóa rất quan trọng để chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng.

* Kết quả cụ thể chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng các công trình xây dựng và đầu tư xây dựng là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Số lượng công trình được kiểm tra năm 2014 đã tăng gấp đôi so với năm 2013. Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2014 đã thực hiện thẩm tra 15.341 công trình, tỷ lệ hồ sơ thiết kế phải sửa đổi, bổ sung chiếm khoảng 43,8% tổng số hồ sơ được thẩm tra, tổng giá trị dự toán trước thẩm tra khoảng 108.240 tỷ đồng, giá trị cắt giảm sau khi thẩm tra là 5.833 tỷ đồng (tương đương 5,39%).

Qua kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng đối với 6.545 công trình thì có 97% số công trình đạt yêu cầu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng, còn lại khoảng 3% công trình được các cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu sửa chữa, bổ sung, khắc phục các khiếm khuyết trước khi đưa vào sử dụng.

Chất lượng các công trình trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia về cơ bản đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng và đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả.

* Hiện nay, cả nước đang hướng tới quy hoạch và phát triển xây dựng xanh theo hướng bền vững. Ở góc độ quản lý Nhà nước, xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của định hướng này?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Phát triển xanh, phát triển đô thị thân thiện với môi trường, đô thị tiết kiệm năng lượng, đô thị đáng sống, đô thị hạnh phúc… đang là một mục tiêu và cũng là nhiệm vụ của ngành xây dựng nói riêng và của đất nước nói chung.

Phát triển đô thị để tạo động lực cho sự phát triển, nhưng đồng thời đô thị phải phát triển bền vững, nhưng muốn phát triển bền vững không chỉ là cảnh quan, kiến trúc đẹp, không chỉ là công trình đầy đủ những điều kiện tốt mà đô thị đó phải có một môi trường tốt hơn, môi trường sống thật tốt, trong đó phát triển xanh là một điều kiện để có một đô thị phát triển bền vững.

* Bước sang năm 2015, xin Bộ trưởng cho biết ngành Xây dựng sẽ tập trung vào những công việc trọng tâm gì?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Trong năm 2015, toàn ngành xây dựng sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các công tác quy hoạch và phát triển đô thị đồng bộ hạ tầng theo kế hoạch; phát triển nhà ở với trọng tâm là các chương trình nhà ở xã hội, đồng thời phải cân đối cung-cầu đối với thị trường nhà ở thương mại và bất động sản;

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và hết sức chú trọng về quản lý chất lượng công trình xây dựng, đặc biệt là đối với các công trình sử dụng vốn nhà nước; kiểm soát chặt chẽ quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đầu tư và vận hành các nhà máy xi măng và chương trình phát triển vật liệu xây không nung; thực hiện tái cơ cấu ngành xây dựng gắn với đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngành xây dựng, phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn năm 2014.

Để thực hiện hàng loạt nhiệm vụ quan trọng nêu trên, trong năm 2015 ngành xây dựng sẽ tập trung hơn nữa vào công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Bộ Xây dựng còn có nhiệm vụ rất quan trọng trong năm 2015 là trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, cũng như ban hành các Thông tư kèm theo để hướng dẫn chi tiết các Nghị định, với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhiều nhất có thể.

Tôi cho rằng đây là việc làm khó nhưng khi hoàn thành sẽ tạo sự đồng bộ về khuôn khổ pháp lý cho ngành xây dựng, giúp tháo gỡ các bất cập về thể chế liên quan đến các hoạt động đầu tư xây dựng, thúc đẩy ngành xây dựng phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

* Cảm ơn Bộ trưởng!

DiaOcOnline.vn - Theo VOV