‘Gỡ băng’ cho đất Vạn Ninh

Cập nhật 19/05/2018 10:48

Huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), nơi dự kiến xây dựng đặc khu Bắc Vân Phong, kiến nghị cho chuyển quyền sử dụng đối với diện tích vừa có đất ở vừa có đất trồng cây lâu năm.

Ngày 18-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Xuân Tây, Chánh Văn phòng Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, cho biết Sở đang hoàn thiện văn bản để tham mưu UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của UBND huyện Vạn Ninh về tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại địa phương này sau “lệnh” tạm dừng của chủ tịch UBND tỉnh.
Kiến nghị “gỡ” một phần “lệnh cấm”

Chỉ sau năm ngày thực hiện “lệnh” của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển QSDĐ, thực hiện việc tách thửa trên địa bàn huyện Vạn Ninh, UBND huyện này đã có công văn kiến nghị UBND tỉnh cho gỡ một phần lệnh cấm. Công văn do ông Trần Kim Bảo, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, ký cho biết khi triển khai áp dụng chỉ đạo của UBND tỉnh trong thực tế đã phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc.

Theo UBND huyện Vạn Ninh, vướng mắc đầu tiên là việc giải quyết đối với hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đã nộp tại bộ phận tiếp nhận-trả kết quả của huyện trước thời điểm UBND huyện Vạn Ninh nhận công văn yêu cầu tạm dừng của UBND tỉnh. Mặt khác, việc áp dụng chỉ đạo của UBND tỉnh đang gặp nhiều vướng mắc.

Một cán bộ Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa nhận định kiến nghị của UBND huyện Vạn Ninh là có cơ sở, phù hợp với thực tế tình hình hiện nay. Nếu tạm dừng hoàn toàn việc cho chuyển quyền QSDĐ nông nghiệp trồng cây lâu năm gắn với đất ở là hạn chế quyền của người sử dụng đất. Trong tuần tới, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh theo hướng đồng ý với kiến nghị của UBND huyện Vạn Ninh.

Ông Trần Kim Bảo cho biết huyện Vạn Ninh là địa bàn nông nghiệp, ven biển với 12 xã nông thôn, miền núi, hải đảo, mật độ dân cư thấp, phân bổ không đều. Do đó, hơn 95% thửa đất ở đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện có diện tích đất lớn hơn hạn mức đất ở được công nhận; trong cùng một thửa đất vừa có diện tích đất ở vừa có một phần diện tích đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm hoặc trồng cây hằng năm). Khoảng 5% thửa đất ở còn lại có 100% diện tích đất ở là các thửa đất do Nhà nước giao đất qua đấu giá cấp QSDĐ, giao đất tái định cư…

“Khi người sử dụng đất thực hiện thủ tục chuyển QSDĐ đối với toàn bộ thửa đất vừa có đất ở vừa có đất nông nghiệp thì gặp vướng mắc do việc chuyển QSDĐ nông nghiệp bị tạm dừng theo công văn chỉ đạo của UBND tỉnh” - công văn UBND huyện Vạn Ninh nêu.

Trước thực tế trên, UBND huyện Vạn Ninh kiến nghị UBND tỉnh cho địa phương thực hiện tiếp nhận-giải quyết hồ sơ chuyển QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện đối với thửa đất vừa có diện tích đất ở vừa có một phần diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm trong cùng một thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.


“Lệnh cấm” mua bán, chuyển nhượng đất tại huyện Vạn Ninh gây vướng mắc và bất cập trong quản lý. Ảnh: TẤN LỘC

Xuất hiện hiện tượng lách luật

Trở lại Vạn Ninh sau gần 10 ngày thực hiện “lệnh” tạm dừng, PV ghi nhận không khí bàn tán chuyện mua bán, giá cả đất đai đã không còn sôi động như trước. Theo nhiều người dân địa phương, hiện những người từ nơi khác đến đầu cơ đất cũng đã mất dạng. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo lắng, thắc mắc với việc “cấm” hoàn toàn việc chuyển QSDĐ, chuyển mục đích sử dụng, tách thửa đất nông nghiệp. “Phần lớn đất ở nông thôn đều gắn với đất vườn, trồng cây lâu năm. Giờ muốn chuyển nhượng phần đất ở đó cũng không được vì chính quyền không giải quyết thủ tục để tách riêng ra. Thậm chí muốn làm thủ tục chia cho con cái hay người thân cũng rất khó” - ông Nguyễn Thanh Hùng, ngụ xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, bày tỏ.

Một cán bộ Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết đã xuất hiện hiện tượng lách luật bằng cách người bán làm thủ tục ủy quyền sử dụng đất cho người mua, thay vì làm hợp đồng chuyển nhượng như trước. “Họ đến UBND xã hay các văn phòng công chứng (VPCC) làm thủ tục ủy quyền sử dụng đất. Nhưng thực tế là họ mua bán đất. Trong khi đó luật không cấm chuyện này. Việc làm này sẽ khiến Nhà nước thất thu thuế” - vị cán bộ nói.

Theo một số VPCC tại huyện Vạn Ninh, TP Nha Trang, rất nhiều trường hợp giao dịch đất đai ở huyện Vạn Ninh bị các VPCC từ chối chứng thực sau “lệnh” tạm dừng của UBND tỉnh. “Chúng tôi từ chối chứng thực các trường hợp liên quan đến đất nông nghiệp vì nếu thực hiện sẽ phát sinh nhiều rắc rối sau này, liên quan đến quyền lợi của một trong hai bên mua bán” - ông NHT, công chứng viên một VPCC ở Nha Trang, giải thích.

Siết quản lý nhưng không được phạm luật

Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc tăng cường quản lý đất đai để chuẩn bị hình thành, quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong là cần thiết nhưng phải tuân thủ luật pháp, không được cản trở, gây khó khăn đối với người dân trong thực hiện QSDĐ. Luật Đất đai đã quy định hành vi bị nghiêm cấm là cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện QSDĐ theo quy định của pháp luật. “Về pháp lý, “lệnh” tạm ngừng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai ở Vạn Ninh với hình thức công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Về nội dung, việc tạm ngừng giải quyết hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật, gây cản trở, khó khăn đối với người sử dụng đất”.


DiaOcOnline.vn - Theo PLO