Giữ mãi màu thời gian

Cập nhật 07/02/2011 08:10

Người xưa nói: “đất lành chim đậu”. Có lẽ vì thế mà rất nhiều dân từ Bắc chí Nam, khi muốn tìm một điều kiện sống mới tốt hơn, đều nghĩ rằng Sài Gòn – TP HCM là vùng đất lành, nơi họ có thể tìm thấy được những điều mong muốn. Với hơn 7 triệu dân (đã bao gồm 2 triệu dân tạm cư), thành phố đang chịu áp lực về nhiều mặt, trong đó có phát triển đô thị.

Kiến trúc cổ bên cạnh những tòa nhà hiện đại

Tại một hội thảo về đánh giá hiện trạng quy hoạch – kiến trúc của TP HCM là 50/50. Dẫu rằng việc quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều bất cập song chúng ta không thể phủ nhận sự thay da đổi thịt của thành phố. Đại lộ Đông tây, đường hầm Thủ Thiêm và các hệ thống giao thông khác đã và đang thành hình. Các công trình dân dụng bề thế ở trung tâm thành phố và những vùng lân cận đang mọc lên ngày càng nhiều, điểm tô cho thành phố thêm đẹp hơn. Tòa nhà Bitexco cao 68 tầng mang hình dáng bông sen vừa được khánh thành, là biểu tượng mới về kiến trúc cũng như chiều cao không gian. Có người nói khoảng vài năm nữa, với tốc độ xây dựng như hiện nay, khu trung tâm thành phố sẽ có dáng dấp như những đô thị hiện đại ở các nước Châu Á.

Thành phố cũng như con người, thay đổi liên tục theo thời gian. Thế nên, tự thân những hồn xưa nét cũ rồi sẽ mai một. Làm thế nào để tồn lưu những cái cũ – “chứng nhân” của chiều sâu văn hóa đô thị TPHCM? Khi làm xong đại lộ Đông Tây, mọi người bỗng nhớ tới hình ảnh trên bến dưới thuyền êm đềm, thơ mộng của những Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử ngày trước. Nay hình ảnh kiến trúc cổ xưa của bến Chương Dương, Bến Hàm Tử đã trở thành dĩ vãng. Trước đó, chính quyền thành phố chỉ đạo thiết kế đô thị đại lộ Đông Tây sao cho giữ được hình ảnh ngày xưa đó. Giữ lại cả cái cầu Móng, dù về mặt giao thông nó không còn giá trị nhiều, song đó là hình ảnh ký ức của thành phố.

Tương tự, khi thi công tòa nhà khách sạn Park Hyatt trên đường Hai Bà Trưng, phía sau Nhà hát Thành phố , chính quyền thành phố yêu cầu xây lại bia kỷ niệm các chiến sỹ đã hy sinh khi đánh vào cư xá Brink của sỹ quan Mỹ trong thời kỳ chiến tranh trước năm 1975. Khi xây dựng toà nhà Sunwah trên đường Nguyễn Huệ, có người bảo mai này, TPHCM sẽ giống Hồng Kông. Ở dưới tầng trệt của tòa nhà, người ta làm một quán bar với nhiều đồ ăn thức uống theo ẩm thực Âu Mỹ. Lúc đầu, nhà hàng chủ yếu phục vụ người nước ngoài. Về sau, trong nhà hàng có thêm món phở, phở được bán khuyến mãi thêm một ly cà phê, mục đích để quảng bá. Sau này, phở và nhiều món ăn truyền thống Việt Nam khác đã thay thế được Hamburger, xúc xích…Bây giờ, khách đến đây chủ yếu là người Việt Nam, món ăn Việt Nam cũng rất phong phú. Không gian ở đây nay lại thuần Việt.

Ở tứ giác Nguyễn Huệ - Hải Triều – Hồ Tùng Mậu – Ngô Đức Kế, tòa nhà Bitexco 68 tầng, đan xen cùng công trình kho bạc thành phố đã được mở rộng, tạo thành một không gian đầy ký ức về màu thời gian. Ngồi ăn xôi, phở ở quán Hà trên đường Hải Triều hay quán phở bò viên Quốc Ký lâu đời trên đường Ngô Đức Kế, mọi người vẫn cảm nhận được một không gian đan xen, hài hòa giữa cái chất hiện đại của công trình mới và của không gian văn hóa ẩm thực thuần Việt. Có lẽ một ngày nào đó, xôi, phở và bò viên sẽ tìm cho mình một chỗ trong tòa nhà Bitexco!

Để chỉnh trang đô thị cho khu trung tâm, ở khu tứ giác Eden cần phài xây dựng một công trình mới là hợp lý. Nhưng khi nghe câu chuyện về hoạt động của tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn thì hình ảnh, không gian của nhà hàng Givral nằm dưới cư xá Eden nơi góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi lại trở thành một không gian ký ức lịch sử. Nếu mai này, khi xây dựng một công trình thương mại, dịch vụ mới ở đây, người ta vẫn để ở góc đường này, dù chỉ một góc khuất thôi, một nhà hàng mang tên Givral. Nơi đó lưu giữ câu chuyện ngày xưa của “điệp viên hoàn hảo”.

Thành phố phát triền hiện đại là tất yếu nhưng cũng cần đan xen những công trình, không gian gợi nhắc kỷ niệm, ký ức ngày xưa. Ở các đô thị lớn trên thế giới, người ta đều làm như vậy.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Người Lao Động
Ảnh Internet