Giới trẻ "khát" nhà cho thuê, doanh nghiệp hờ hững

Cập nhật 23/12/2009 11:10

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hộ gia đình trẻ phải ở ghép hộ, ở tạm chiếm tỷ lệ lớn. Ngoài ra, khoảng 5% hộ gia đình có nhu cầu cấp bách về nhà ở. Tuy nhiên, có rất ít dự án nhà cho thuê được triển khai xây dựng.

Hiện, Hà Nội mới có một dự án xây nhà cho thuê tại đường Lê Văn Lương do Công ty CP Đầu tư Xây dựng số 2 (Hancinco 2) đầu tư với tổng vốn 400 tỷ đồng, đã hoàn thành một khối nhà với trên 100 căn hộ. Ngoài ra một dự án nhà cho thuê với 500 căn tại khu đô thị Việt Hưng đang được triển khai do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư.

Theo ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong số dự án nhà xã hội được chủ đầu tư đăng ký thời gian qua thì có rất ít dự án nhà cho thuê, phần lớn là nhà cho công nhân hoặc bán cho người thu nhập thấp. Mặc dù, nhà nước đã có nhiều cơ chế ưu đãi về giảm thuế thu nhập, thuế sử dụng đất, cho vay vốn ưu đãi...

Ông Xuân Anh cho rằng, nhiều chủ đầu tư không muốn bỏ vốn lớn rồi thu lại một cách nhỏ giọt. Thiếu chế tài đối với những trường hợp chây ì không trả tiền thuê nhà cũng khiến doanh nghiệp e ngại. Hiện các chủ nhà cho thuê đơn lẻ vẫn muốn cho sinh viên hoặc cán bộ thuê hơn là những người lao động tự do.

"Cơ chế quản lý của chúng ta rất vướng, khác với các nước, chỉ hôm trước hôm sau nợ tiền là phải ra khỏi nhà. Nếu Bộ Xây dựng không tháo gỡ thì các doanh nghiệp rất khó cho thuê", ông Xuân Anh nhận xét.

Giám đốc Sở Xây dựng còn lo ngại hơn 500 căn hộ cho thuê đang được xây dựng ở Việt Hưng nếu không quản lý tốt sẽ lặp lại như nhà 61 xưa kia - người dân mặc dù thuê của nhà nước, nhưng không đóng tiền cũng không chịu rời đi khi bị trục xuất.
 

Phần lớn các dự án nhà ở được bán đứt căn hộ cho người mua. Ảnh: Hoàng Hà.


Ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, cho rằng, cần làm rõ vấn đề pháp lý trong việc cho thuê nhà, bởi sẽ có trường hợp hộ thương binh thuê nhà, cơ quan quản lý khó cưỡng chế khi họ trình bày đời sống khó khăn, không có khả năng trả tiền thuê...

Với góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Sỹ, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng số 2, cho rằng, theo quy định chủ đầu tư không được phép cưỡng chế người nợ tiền nhà ra khỏi căn hộ mà phải đưa ra tòa dân sự. Như vậy, khá phiền hà cho chủ đầu tư khi người thuê cố tình chây ì. Trước mắt, để hạn chế kiện tụng, đơn vị này yêu cầu đặt cọc trước 3 tháng tiền nhà, nếu người thuê nợ tiền sẽ trả dần.

Hiện hơn 100 căn hộ của khối nhà đầu tiên do Hacinco 2 xây dựng trên đường Lê Văn Lương đã kín người thuê, với giá trung bình 150.000 đồng cho mỗi m2 trong một tháng.

Ngoài ra, theo ông Sỹ, doanh nghiệp không mặn mà xây dựng nhà cho thuê là không muốn bỏ tiền lớn mà lại thu tiền lẻ trong nhiều năm, khi mà vốn đầu tư phải đi vay ngắn hạn. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 2 đã đầu tư trên 400 tỷ đồng để xây dựng các khối nhà cho thuê - số vốn mà không phải đơn vị nào cũng dám đầu tư.

Đề xuất giải pháp tăng lượng nhà cho thuê trên thị trường, ông Nguyễn Chí Sỹ cho rằng, nhà nước nên hỗ trợ người thuê nhà để tạo sức hút cho các doanh nghiệp xây dựng, hơn là hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp. Tiền thu được từ thuế lại hỗ trợ cho người thuê.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, người dân đã hình thành tập quán thuê nhà để ở. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phải tạo nguồn cung nhà cho thuê, các thành phố nên chủ động dành ra một tỷ lệ nhà cho thuê trong dự án nhà xã hội. Với giá thuê rẻ sẽ thu hút người thu nhập thấp.

Về các quy định pháp lý, ông Nam cho rằng những tranh chấp dân sự là phải do tòa án xử lý, doanh nghiệp có thể tự đưa ra cơ chế ràng buộc. Ban đầu việc thực hiện có thể có khó khăn, song trong những năm tới, người dân sẽ sống theo pháp luật, việc thuê nhà sẽ đi vào nề nếp.


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress