Thị trường nhà đất có nguy cơ tụt dốc nếu Chính phủ can thiệp bằng việc đánh thuế lũy tiến và siết chặt tín dụng nhà ở. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại như vậy tại buổi gặp mặt đầu năm diễn ra sáng 18/2.
Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu thay mặt hơn 600 hội viên đọc bản kiến nghị gồm 20 đề xuất. Nổi cộm và nóng bỏng nhất trong số này là vấn đề định mức nhà ở, đánh thuế lũy tiến bất động sản và siết chặt tín dụng bất động sản.
Theo ông Châu, định mức nhà ở 20 m2 một đầu người và mỗi hộ gia đình sở hữu vượt mức 100 m2 sẽ bị đánh thuế bất động sản là chính sách kéo lùi chất lượng cuộc sống của người dân. Phó chủ tịch Hiệp hội đề nghị lãnh đạo thành phố nhanh chóng kiến nghị Chính phủ cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tương tự, đối với việc nghiên cứu luật thuế sở hữu bất động sản, ông Châu thay mặt doanh nghiệp phản đối việc đánh thuế lũy tiến nhà đất. Ông đề nghị Bộ Tài chính và Xây dựng nghiên cứu các quốc gia lân cận như Malaysia, Singapore, Trung Quốc... và chỉ thu thuế tài sản mỗi năm một lần với mức thấp nhất là 4% và cao nhất là 12% như Singapore.
Riêng vấn đề siết chặt cho vay đầu tư bất động sản kể cả đối với doanh nghiệp và cá nhân, ông Châu khẳng định: "Đây là liều thuốc quá mạnh đối với thị trường địa ốc. Việc thắt chặt tín dụng sẽ làm thị trường này tụt dốc vì thắt luôn khả năng mua nhà của người dân".
Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP HCM, tiến sĩ Đỗ Thị Loan, khẳng định, đánh thuế lũy tiến bất động sản sẽ làm tăng giá thuê nhà, người nhập cư và người có thu nhập thấp càng khốn khổ.
Theo bà Loan, định mức nhà ở 100 m2 cho một hộ gia đình là bước lùi dài hết sức vô lý. Bởi lẽ, chính sách này giới hạn không gian bất động sản trong một đô thị phát triển, phá vỡ quy hoạch chung và lãng phí tài nguyên đất vì nhà nào cũng chỉ xây vỏn vẹn 100 m2.
Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội bất động sản nhấn mạnh thêm, tác dụng phụ của chính sách siết chặt tín dụng nhà ở sẽ đẩy người nghèo, thậm chí người có thu nhập trung bình khá lâm vào tình cảnh không bao giờ sở hữu nổi một căn hộ. Theo đó, vì thiếu tiền hỗ trợ của ngân hàng, nguồn cung bế tắc lối ra vì chẳng ai mua, doanh nghiệp cũng không bán được sản phẩm, chỉ số đầu tư sụt giảm và ngoại tệ dần dần chảy sang những thị trường lân cận.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo TP HCM bày tỏ lo ngại trước sự phát triển quá nóng của thị trường địa ốc hiện nay.
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho biết: "Giá nhà đất đang tăng quá cao với tốc độ chóng mặt là không ổn. Mọi doanh nghiệp xây căn hộ cao cấp. Cần tỉnh táo nhìn nhận lại thị trường này".
Theo ông Quân, làn sóng căn hộ cao cấp liên tục khuấy động thị trường địa ốc nhưng chưa hề có cuộc khảo sát, điều tra kỹ lưỡng nhu cầu thực sự của công chúng là còn thiếu sót. Người không có nhà vẫn còn nhiều và họ chưa cần đến nhà cao cấp như nguồn cung hiện nay.
"Những ngôi nhà 1 triệu đô la thì ai ở? Theo tâm lý người phương Đông, nhà để ở chứ không phải để đầu tư. Thị trường địa ốc chúng ta đang lâm vào thế giá cả biến động mạnh, không đúng với giá trị thực của nó", ông Quân nói.
Riêng về chính sách siết chặt tín dụng, thuế lũy tiến nhà đất, định mức nhà ở... Chủ tịch UBND thành phố giải thích, sẽ kiến nghị Chính phủ để sớm tìm những biện pháp tháo gỡ kịp thời.
"Bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cần sự vững chắc chứ không phải phát triển như vũ bão để rồi rơi vào khủng hoảng. Do đó, chính sách vĩ mô trong lúc này là hết sức cần thiết", ông nhấn mạnh.
Để kìm cương giá nhà đất đang tăng và làm minh bạch thị trường địa ốc, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng cùng phối hợp nghiên cứu và ban hành Luật sở hữu bất động sản bằng phương pháp đánh thuế lũy tiến.
Theo kiến nghị của Bộ Xây dựng, một hộ gia đình sẽ được định mức 100 m2 nhà ở. Mức thuế đánh vào mỗi m2 nhà là 30.000 đồng một năm. Căn cứ vào đó, Bộ Tài chính đề nghị khung giá đánh thuế nhà ở bắt đầu tính từ 101 m2 trở lên. Cụ thể, đối với người sở hữu từ 101 đến 150 m2 nhà sẽ đóng 130% thuế suất. Tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 150% đối với diện tích nhà từ 151 m2 trở lên. Đối với người sở hữu trên 200 m2, mức thuế suất sẽ là 200%.