Giới đầu tư lướt sóng đất nền "phát sốt" với trả lãi ngân hàng mùa dịch

Cập nhật 30/06/2021 16:50

Dịch bệnh khiến nguồn thu nhập ổn định của nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Áp lực trả nợ gốc và lãi ngân hàng đè nặng lên vai nhà đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư đất nền tại TPHCM đang rất áp lực với lãi vay ngân hàng hằng tháng (Ảnh: Đ.V).

"Gồng" tiền vay ngân hàng 44 triệu đồng/tháng

Anh Vũ Văn Linh, nhà đầu tư tại TP Thủ Đức, TPHCM có 2 lô đất tại đảo Kim Cương (phường Trường Thạnh). Một lô đất diện tích hơn 65 m2 có giá gần 3,2 tỷ đồng. Lô còn lại 77 m2 giá hơn 4,2 tỷ đồng.

Hơn hai tháng qua, anh Linh chưa bán được vì thị trường bất động sản "bất động".

"Tôi rao bán trên nhiều trang web và mạng xã hội nhưng chỉ có một số người gọi điện thăm dò, đa phần là môi giới. Khách mua thật hầu như không có", anh nói.

Theo anh Linh, để mua được hai lô đất ở đảo Kim Cương, anh phải vay ngân hàng 3 tỷ đồng. Mỗi tháng, tiền gốc và lãi là hơn 44 triệu đồng. Sau một năm "gồng" tiền vay ngân hàng, anh bắt đầu "đuối sức".

Anh kể, tiền trả ngân hàng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu từ kinh doanh thiết bị nhà bếp. Tuy nhiên, hiện nay, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn do Covid-19, cửa hàng phải tạm đóng cửa. Việc kinh doanh online cũng không mấy khả quan.

"Có khách mua thiện chí, tôi sẵn sàng giảm 100 triệu đồng/lô đất. Giờ nếu bán được hai lô thì trừ gốc và lãi vay ngân hàng, tôi lãi đúng 72 triệu đồng. Đầu tư hơn 7 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ 1% sau một năm là thất bại", anh Linh chia sẻ.

Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, anh Linh dự đoán có thể phải "ôm hàng" thêm một thời gian. Khi đó, lợi nhuận có thể bằng 0, thậm chí lỗ vì phải "gồng" tiền ngân hàng.
Mỗi tháng trả gốc và lãi ngân hàng hơn 40 triệu đồng khiến nhà đầu tư như "ngồi trên đống lửa" (Ảnh minh họa: Đ.V).

Chị Trần Ngọc Phượng, một nhà đầu tư tại quận Tân Bình, TPHCM cũng cho biết, vợ chồng chị đầu tư lô đất ở đường Tân Hiệp 16, huyện Hóc Môn diện tích 130 m2. Chị rao bán với 2,95 tỷ đồng nhưng hơn một tháng qua không có khách "chốt".

"Chúng tôi cũng bán một lô đất khác diện tích 70 m2 trên đường Trần Văn Mười, huyện Hóc Môn giá 2,4 tỷ đồng. Hai tháng nay tôi chưa bán được. Sổ hồng của hai lô đất đều trong ngân hàng", chị Phượng nói.

Gia đình chị đang vay ngân hàng 2,4 tỷ đồng, mỗi tháng đang "gồng" khoản tiền gốc và lãi 35 triệu đồng.

Nguồn thu nhập chính để trả tiền ngân hàng đến từ cửa hàng bán tạp hóa và hải sản. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tiền trả ngân hàng đang là áp lực lớn đối với gia đình chị.

Chị Phượng mong sớm bán được hai lô đất để thu hồi dòng tiền, thoát khỏi cảnh nợ ngân hàng.

Giống như chị Phượng và anh Linh, hiện nhiều nhà đầu tư tại TPHCM đang rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", chịu áp lực trả lãi ngân hàng do nguồn thu nhập chính bị giảm sút do dịch bệnh.

Làm sao thoát khỏi "kiệt quệ tài chính"?

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản tại TPHCM, cho biết, việc sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư bất động sản là tình trạng khá phổ biến hiện nay.

Theo ông Chánh, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản chiếm 19,6% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, bất động sản phục vụ mục đích kinh doanh chiếm gần 34% tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng chiếm hơn 66% tổng dư nợ.

"Dễ hiểu nhất, cứ 5 đồng cho vay có 1 đồng đổ vào bất động sản. Trong 1 đồng đó, 2/3 dành cho việc tự sử dụng; 1/3 cho mục đích kinh doanh", ông Chánh nói.

Giới đầu tư lướt sóng đất nền phát sốt với trả lãi ngân hàng mùa dịch - 3Nhấn để phóng to ảnh Tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản chiếm 19,6% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế (Ảnh minh họa: Đ.V).

Cũng theo ông Chánh, hiện tại, một số nhà đầu tư đang không đủ thu nhập để trang trải lãi vay ngân hàng do "cú sốc" Covid-19 gây ra cho nền kinh tế. Đây được gọi là "kiệt quệ tài chính".

Để thoát khỏi tình trạng này, nhà đầu tư nên tìm nguồn thu nhập bổ sung hoặc bán tài sản để cắt giảm khoản nợ.

"Trước đây, người Việt thường chọn đầu tư vào bất động sản vì đây là kênh an toàn hơn so với các kênh khác. Thế nhưng trong thời gian tới, việc đầu tư vào bất động sản sẽ phải rất cân nhắc, bởi nhà đầu tư buộc phải tính toán đến các rủi ro hiện hữu và cân đối tài chính kỹ càng", ông Chánh chia sẻ.
Tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản chiếm 19,6% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế (Ảnh minh họa: Đ.V).

Ông Matthew Powell, chuyên gia của Savills, nhận định, từ nay đến cuối năm, những tác động của dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Do đó, sẽ có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, các phân khúc bất động sản và dự án.

"Tôi cho rằng mục tiêu chung hiện nay là sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, các chương trình tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 cần được nhanh chóng triển khai để nền kinh tế sớm trở lại trạng thái bình thường", ông Matthew Powell nói.

Theo chuyên gia này, một khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến từ nhiều tỉnh thành và quốc tế, song song với nhà đầu tư địa phương.

Chuyên gia này cũng khuyên các nhà đầu tư cá nhân rằng khi có ý định đầu tư bất kỳ loại hình phân khúc bất động sản nào cần nghiên cứu kỹ loại hình đầu tư, những tiềm năng phát triển của bất động sản đó trong tương lai.

Việc thu thập các thông tin chính xác, đáng tin cậy về hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, về quy hoạch đã được công bố sẽ giúp nhà đầu tư không chạy theo đám đông với những thông tin chưa được kiểm chứng.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí