Giới đầu tư bất động sản đau đầu vì tiền 'bốc hơi'

Cập nhật 06/07/2011 09:40

Vài tháng nay, giới đầu tư, đầu cơ bất động sản đang rơi tình cảnh đứng ngồi không yên vì “tiền bốc hơi” do giá đất giảm mạnh trong khi khoản lãi vay ngân hàng liên tục đội lên cao.

Tiền bốc hơi


Kể từ khi chính sách thắt chặt tín dụng đưa ra, thị trường ngay lập tức đảo chiều lao dốc, các phân khúc bất động sản giảm mạnh trong đó nhiều dự án phía Tây Hà Nội, Bắc quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long … sau một thời gian dài tăng nóng đã tụt dốc thảm hại. Cá biệt, có dự án lớn như Park city, Dương Nội, Geleximco, Bắc An Khánh…. đã giảm 10-15 triệu đồng/m2. Việc giảm giá ngoài sức tưởng tượng đã khiến cho nhiều nhà đầu tư không khỏi tiếc nuối do không kịp bán ra vào lúc thị trường lập đỉnh.

Chị Ánh Nguyệt (nhà đầu tư) cho biết, thời điểm cuối tháng 2, mỗi m2 đất dự án Geleximco trên đường Lê Trọng Tấn kéo dài lên đến 55-60 triệu đồng ở vị trí đường nhỏ, đường to, đẹp như khu A giá cao trên 100 triệu đồng/m2 mà không có người bán. Vậy mà hiện tại, nhiều lô liền kề đường nhỏ chỉ còn 42-45 triệu đồng/m2.

"Mấy tháng nay, ngồi nhìn tiền bốc hơi mà sốt hết cả ruột gan. Giờ muốn bán đi cũng không thể bán được" chị Nguyệt rầu rầu.

Nằm trên dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, dự án khu đô thị mới Dương Nội được xếp vào loại hàng 'hot' trên thị trường bởi vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín. Thời điểm dự án mới bung hàng giữa năm 2010, giá mỗi m2 biệt thự 40- 42 triệu đồng. Chỉ vài tháng sau đó, giá liên tục tăng 60 triệu đồng/m2 lên 70 triệu đồng/m2. Thế nhưng, trong vòng 2 tháng nay giá biệt thự Dương Nội chỉ xoay quanh mức 58– 60 triệu đồng/m2

Anh Đức Học (Giám đốc sàn bất động sản Lộc Phát) cho biết, thời điểm đó nhà đầu tư đổ xô đi tìm mua biệt thự Dương Nội, giá liên tục được đẩy lên cao nhưng để tìm được người muốn bán không dễ kiếm. Thế nhưng, thời điểm này trái ngược hoàn toàn khi ngày nào cũng có người chào bán nhưng các nhà đầu tư lại không mặn mà. Chính vì vậy, giá dự án này hiện đã giảm xuống khá nhiều.

Theo anh Học, để thanh toán lô đất biệt thự Dương Nội khách hàng phải trả khoảng 12-15 tỷ đồng, trong bối cảnh lượng tiền khan hiếm như hiện nay, nhà đầu tư nào có vài tỷ đồng chấp nhận bỏ ra mua đất lúc này thực sự hiếm có huống chi với số tiền lớn như vậy "bói" cũng chẳng ra. Thực tế, nhiều người họ tính nếu có tiền gửi ngân hàng còn lợi hơn bởi nếu bỏ một đống tiền vào đó không biết bao giờ mới thu hồi được vì vậy nhà đầu tư không đổ tiền vào thời điểm này.

Lợi nhuận “ngược”

Ngậm đắng nuốt cay bỏ ra 6 tỷ đồng tiền chênh lệch mua 2 căn liền kề diện tích hơn 100 m2 tại dự án khu đô thị Parkcity (trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông), chị Ngọc Oanh – một nhà đầu tư giờ rơi vào cảnh "khóc dở, mếu dở" bởi khoản đầu tư đã bị hao hụt hơn 1/3 khi giá dự án này liên tục giảm mạnh.

“Thời điểm tôi mua dự án đang là lúc thị trường sôi sục, giá mua đúng đỉnh cơn sốt 82 triệu đồng/m2 chênh lệch 3 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, hiện chủ đầu tư chào bán đợt 2 với mức bán gốc 87 triệu đồng/m2, tiền chênh ngoài 500 triệu đồng/căn. So với giá gốc lần 1, giá gốc của chủ đầu tư đưa ra cao hơn 5 triệu đồng/m2 cộng cả chênh ngoài chỉ có khoảng 1,2 tỷ đồng/căn. Vậy, tính sơ tôi lỗ 1,8 tỷ đồng/căn. Đó là còn chưa kể đến khoản lỗ do lãi vay ngân hàng” chị Oanh than thở.

Đầu tư hơn 1 năm dự án chung cư tại khu đô thị mới Văn Khê nhưng anh Mạnh Cường (nhân viên công ty Điện Lực Hà Nội) vừa quyết định bán bằng giá gốc 22 triệu đồng/m2 để dồn tiền cho khoản mục đầu tư khác.

Theo anh Cường, với diễn biến của nền kinh tế như hiện nay lạm phát tăng cao, nguồn tiền khan hiếm thì nhiều khả năng từ giờ đến cuối năm thị trường khó có thể khởi sắc đặc biệt phân khúc căn hộ. Vì vậy, anh chấp nhận bán lỗ để thu tiền về chờ cơ hội đầu tư còn hiệu quả hơn rất nhiều so với việc vốn bị đọng vốn ở đó.

Không chỉ riêng nhà đầu tư mà các chủ đầu tư dự án cũng đang phải “đau đầu” với bài toán lợi nhuận "ngược" bởi triển khai dự án mà không tính toán kỹ thì lỗ, mà không làm thì cũng không được bởi tiền đã huy động của khách hàng̀... Trong bối cảnh này nếu không chấp nhận giảm lợi nhuận, cơ cấu khoản mục đầu tư thì nhiều dự án đối mặt với rủi ro như dừng triển khai, mua bán sáp nhập với các doanh nghiệp bất động sản khác hoặc bi đát hơn nữa chỉ còn cách phá sản.

Theo các chuyên gia phân tích, trên thị trường bất động sản Hà Nội hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã buộc chấp nhận chào bán dự án bởi không đủ tiền để có thể triển khai trong đó có cả doanh nghiệp chấp nhận bán dưới giá vốn. Dự kiến, chỉ trong thời gian ngắn nữa, xu hướng chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục sôi động đặc biệt khi quy hoạch Hà Nội được công bố và trên 800 các dự án sẽ được tiếp tục triển khai.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia