Giấy hồng mới nên kế thừa mẫu giấy cũ

Cập nhật 29/06/2009 08:15

Có ý kiến cho rằng nên thiết kế giấy mới như một cuốn sổ, chú trọng việc cập nhật những thay đổi sau khi cấp giấy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vừa đưa mẫu giấy mới có tên “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” (gọi là giấy mới) để người dân góp ý tại địa chỉ www.monre.gov.vn. Giấy mới này có một số thay đổi so với mẫu giấy hồng, giấy đỏ hiện hành. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận một số ý kiến đóng góp về mẫu giấy mới này.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8: Mẫu giấy hồng cũ là ổn nhất

Theo tôi thì mẫu giấy chứng nhận toàn diện nhất từ trước tới nay là mẫu giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp theo Nghị định 60/1994 (giấy hồng cũ). Cách thiết kế cũng rất dễ nhìn, thuận tiện cho người dân lẫn cơ quan cấp giấy. Theo đó, trang 1 thể hiện thông tin về người được cấp giấy và bên dưới là một khung chia hai cột, một bên cho nhà, một bên cho đất. Trang 2 là bản vẽ, còn trang 3, 4 còn lại để cập nhật các thay đổi như thế chấp, thay đổi chủ sở hữu...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng TNMT quận Tân Phú, TP.HCM: Không nên thay đổi nhiều

Tôi cho rằng giấy hồng cũ đã khá hoàn thiện rồi. Mẫu giấy hồng cũ phân biệt rõ ràng, trang 3 ghi những thay đổi về mặt pháp lý, trang 4 ghi những thay đổi về kỹ thuật. Còn theo mẫu mới, nửa trang 3 và trang 4 thể hiện những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận mà không nói rõ đó là những thay đổi gì.

Điều tôi băn khoăn là nếu chủ sử dụng đất và chủ sở hữu nhà là hai người khác nhau thì giấy mới này sẽ được cấp cho ai. Nên chăng chỉ ghi nhận cả nhà và đất trong trường hợp chủ sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu nhà. Nếu là hai người khác nhau thì cơ quan TNMT cấp hai giấy cho hai người: giấy cấp cho người nào chỉ ghi tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người đó. Nếu họ muốn mua bán, chuyển nhượng thì phải thỏa thuận với nhau.

Ông Đặng Minh Nguyên, Phó Trưởng phòng TNMT quận Bình Thạnh: Hơi chỏi với phần mềm cấp giấy

Theo tôi, quan trọng nhất là mẫu giấy mới phải phù hợp với phần mềm trong cấp giấy hiện nay để cơ quan quản lý thực hiện nhanh nhất. Hiện nay, các thao tác này đã được xây dựng cho cán bộ thụ lý từ A đến Z. Thực hiện theo mẫu giấy hồng hiện nay, toàn bộ thông tin về nhà đất nằm trên trang 2, 3 nên chỉ cần in một lần. Trong khi mẫu giấy mới dời thông tin về người sử dụng đất và quyền sử dụng đất ra trang bìa, nên bắt buộc cán bộ thụ lý phải lật ra để in lần hai, sẽ mất thời gian hơn.

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Công ty Luật TNHH Sài Gòn Luật: Nên thiết kế như một cuốn sổ

Mẫu giấy mới thể hiện ưu điểm ngay từ tên gọi vì rất đầy đủ, rõ ràng, nội dung cơ cấu theo các phần rõ rệt: đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.

Tuy nhiên, tôi vẫn có một số băn khoăn. Các yêu cầu về thông tin ghi trên giấy là chi tiết, mang tính chất liên tục xuyên suốt. Trong khi đó, một thời kỳ dài, nhiều nhà đất ở ta được chuyển nhượng bằng giấy tay, xây dựng không phép hoặc sai phép. Nếu chủ sở hữu không có đủ thông tin, dữ liệu về nguồn gốc đất để cung cấp cho cơ quan quản lý thì xử lý sao? Số vào sổ cấp giấy chứng nhận lại để ở trang 2 là không thuận tiện, nên để ở ngay trang 1. Trang 3, 4 dành ghi “Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận” mà không ghi chú là những thay đổi gì... Ngoài ra, trong phần thông tin chung về đất, nhà, tài sản khác gắn liền với đất như vườn cây thì nên có mục “giới hạn”, trong đó ghi rõ đông-tây-nam-bắc giáp nhà, đất nào.

Theo tôi nên thiết kế giấy như một cuốn sổ với các thông tin đầy đủ, chi tiết, rõ ràng, chú trọng việc cập nhật những thay đổi sau khi cấp giấy. Có như vậy mới phát huy được giá trị của giấy chứng nhận.

Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn luật sư TP.HCM: Hơi ôm đồm

Có mẫu giấy mới để thống nhất giấy hồng, giấy đỏ hiện nay là đáng mừng rồi, lại rất hiện đại khi thiết kế mẫu bìa chống giả, có mã vạch. Nhưng mẫu giấy mới chi tiết, tỉ mỉ quá cũng khó cho người dân và cơ quan chức năng. Chẳng hạn: mục các thông tin về tài sản trên đất đòi hỏi đối với vườn cây lâu năm thì ghi thông tin gồm: loại cây, diện tích có cây; đối với rừng cây thì ghi thông tin gồm: diện tích có cây; mục đích sử dụng rừng; nguồn gốc; trạng thái rừng; chi tiết thông tin về rừng... Theo tôi vậy là không cần thiết, chỉ cần ghi mục đích sử dụng đất là được rồi. Nên nhớ rằng chỉ có đất là bền vững, không thay đổi, còn các tài sản trên đất, kể cả nhà không có tính ổn định.

Mẫu giấy mới

Giấy màu hồng, in hình trống đồng để chống làm giả, gồm bốn trang:

Trang 1: Ghi tên giấy, chủ sử dụng đất, thông tin về thửa đất, số sêri.

Trang 2: Thể hiện nội dung về quyền sở hữu nhà ở, thông tin về nhà ở và các tài sản khác trên đất.

Trang 3: Nửa phía trên thể hiện sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác trên đất. Phần còn lại thể hiện những thay đổi sau khi cấp giấy.

Trang 4: Thể hiện những thay đổi sau khi cấp giấy, cuối trang là mã vạch.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP