Giao thông TP.HCM “chết ngạt” bởi cao ốc

Cập nhật 11/11/2009 08:10

Giao thông ở khu vực Lê Đại Hành - Ba Tháng Hai hiện đã quá tải, nay ở góc ngã tư này còn hình thành một “quần thể” với ít nhất bốn cao ốc trên 20 tầng. Ảnh: MP.

Toàn thành phố đang đau đầu về tình trạng ách tắc giao thông ngày càng trầm trọng. Vậy mà số lượng cao ốc tại khu trung tâm không ngừng tăng lên càng khiến giao thông bức bối. Một đoạn đường ngắn có đến 8 cao ốc: 4 cái vừa xây xong và 4 cái đang xây dựng.

TP.HCM đang lên kế hoạch “bán” bốn trong tổng số 20 khu đất vàng ở khu vực trung tâm. Hiện những vị trí này là trụ sở cơ quan hoặc nhà dân lụp xụp nhưng dự kiến trong tương lai sẽ là những trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê.

Nở rộ cao ốc, văn phòng cho thuê


Chưa đề cập đến các cao ốc, trung tâm thương mại kể trên, ngay trong năm 2009 này ở khu vực trung tâm TP.HCM đã có hàng loạt cao ốc mới đưa vào hoạt động. Hầu hết các cao ốc này đều nằm trên các tuyến đường có áp lực về giao thông rất lớn. Đường Nguyễn Thị Minh Khai có các cao ốc Itaxa, Indo Chine, Shinhanvina Bank, Âu Lạc, PVI Sài Gòn, tòa nhà văn phòng cao ốc của Tổng Công ty Xây dựng số 1, Avalon, Centec Tower, Yoco. Đường Hai Bà Trưng có cao ốc TMS Building, Uniland office, Kumho Asiana Plaza, Intercontinental... Nhiều cao ốc này ngay trong quá trình xây dựng đã trưng biển “sẵn sàng cho thuê” làm văn phòng.

Nhưng chưa dừng lại. Ở nhiều vị trí khác, cũng nằm trên các tuyến đường có độ “nhạy cảm” cao về giao thông, các cao ốc, văn phòng cho thuê vẫn tiếp tục dần hiện ra. Trong đó, chỉ riêng đường Hai Bà Trưng, đoạn từ ngã ba Nguyễn Văn Thủ-Hai Bà Trưng đến ngã tư Nguyễn Du-Hai Bà Trưng (quận 1), ngoài bốn cao ốc văn phòng cho thuê vừa được đưa vào hoạt động trong năm 2009 còn có bốn cao ốc khác đang xây dựng, chưa kể các cao ốc đã tồn tại trước đó. Tương tự, tại hai địa chỉ kế nhau là 224, 222 và phía bên kia đường Điện Biên Phủ (phường 7, quận 3) cũng cùng lúc xây dựng ba cao ốc cao cả chục tầng...

“Đè” lên giao thông

Tình trạng giao thông trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai đã được cải thiện đáng kể sau khi Sở Giao thông Vận tải phân luồng một chiều đoạn từ Trương Định đến Phùng Khắc Khoan. Nhưng nạn ùn tắc đã xuất hiện trở lại trong thời gian gần đây với chiều hướng ngày càng tăng khi dọc hai bên đường mọc hàng loạt cao ốc.

Chúng tôi đã quan sát một giờ cao điểm trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn giao với đường Pasteur, nơi có tổ hợp cao ốc với năm tòa đang hoạt động. Hoành tráng nhất có lẽ là cao ốc của Tổng Công ty Xây dựng số 1 vừa đưa vào khai thác. Cao ốc này nằm ôm trọn góc ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai-Pasteur, có cổng ra vào hướng về đường Nguyễn Thị Minh Khai chiếm chiều dài mỗi bên đường hơn trăm mét. Mỗi lần đèn đỏ thì lượng xe trên đường dừng trước tòa cao ốc đụng với xe từ cao ốc đi ra - nhất là ôtô thì khúc này ùn xe lại. Việc ùn ứ kéo dài khiến ngã tư kế đó là Nguyễn Thị Minh Khai-Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng bị vạ lây.

Ông Nguyễn Hoàng Huy, tài xế xe ôm lâu năm tại khu vực trên, cho biết: Chuyện kẹt xe ngày nào cũng xảy ra.

Một cảnh sát giao thông đang điều tiết giao thông tại ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai-Pasteur, cho biết vào chiều 3-11, nhóm của anh gồm bốn người mới đảm bảo giao thông tại ngã tư này thông suốt, phục vụ cho Đại hội Thể thao trong nhà châu Á đang diễn ra tại TP.

Tương tự, những đường Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn... chiều chiều giờ tan sở, các ôtô, xe máy từ cao ốc chạy ra cũng khiến cả đoạn đường khốn khổ.

Hạ tầng quá tải
 

Các cao ốc đã xây xong, đang khai thác (điểm tròn) và đang xây dựng (ô vuông) ở trung tâm TP.HCM. Đồ họa: Kim Phượng.


Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông TP.HCM, hiện TP có khoảng bốn triệu xe gắn máy và gần 400.000 môtô, xe ôtô, chưa kể hằng ngày có khoảng một triệu môtô, xe gắn máy và hơn 60.000 xe ôtô mang biển số các tỉnh, thành lưu thông vào TP.HCM.

Với số lượng phương tiện ấy, hạ tầng giao thông đang bị quá tải, gây ra tình trạng kẹt xe thường xuyên. Số liệu theo dõi tình trạng lưu thông của Sở Giao thông Vận tải cho thấy lưu lượng xe ở tất cả các tuyến đường trục, đường bao như Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sĩ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ba Tháng Hai, Võ Thị Sáu... đều chung tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Theo quy chuẩn, trong điều kiện lý tưởng, đường sá phẳng phiu, để lưu thông bình thường thì một làn xe chỉ gánh 1.500 xe dưới tám chỗ ngồi. Nhưng thực tế hiện mỗi làn đường đều gánh đến 2.500 xe, thậm chí ở nhiều tuyến đường lưu lượng thực tế cao gấp đôi quy chuẩn cho phép.

“Các giao lộ ở khu vực trung tâm nằm gần nhau nên bất kỳ sự ra vào ở một cao ốc nào cũng ảnh hưởng ít nhất đến hai giao lộ gần đó. Việc tan giờ làm việc ở các cao ốc trùng với giờ tan sở của các cơ quan hành chính nhà nước tạo ra dòng lưu thông lớn vào các giờ cao điểm” - đại diện Sở Giao thông Vận tải nói.

Chờ quy hoạch, cao ốc cứ mọc

Hiện TP.HCM đang lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm nhằm cải tạo và phát triển khu trung tâm hiện hữu, có bổ sung thêm các chức năng, tăng mảng xanh, tổ chức tốt hệ thống giao thông... Việc chỉnh trang đô thị, xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại phải dựa trên nền chung này.

Theo ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, lẽ ra khi tăng mật độ xây dựng lên thì kết cấu hạ tầng phải đi theo nhưng lâu nay cao ốc cứ mọc lên mà không quan tâm đến sự phát triển của hạ tầng giao thông. Gần đây, Sở Giao thông Vận tải có tham gia góp ý về chỉ tiêu quy hoạch đối với một số cao ốc, trung tâm thương mại ở trung tâm. Nhưng các ý kiến góp ý đó được ghi nhận, lắng nghe như thế nào là tùy thuộc vào đơn vị có thẩm quyền cấp phép. Nhưng “trong thời gian chờ, các cao ốc, trung tâm thương mại vẫn cứ hình thành mà thiếu sự tính toán hợp lý, gây mất cân bằng nghiêm trọng giữa hạ tầng giao thông với nhu cầu thực tế” - ông Toàn ái ngại.

Chuyện cao ốc đổ dồn vào khu vực trung tâm đã từng được TP.HCM lưu ý khi đề cập đến việc chống kẹt xe, cụ thể là đặt ra yêu cầu hạn chế xây dựng các cao ốc ở trung tâm. Gần đây nhất, trong triển khai các giải pháp chống kẹt xe theo Nghị quyết 16/2008 của Chính phủ, TP.HCM tiếp tục đặt mục tiêu tập trung tối đa tăng tốc đầu tư mạng lưới giao thông đô thị, điều phối giãn tiến độ đầu tư hạ tầng xã hội và kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực trung tâm cho phù hợp. Trong đó xem xét giãn tiến độ hình thành các cao ốc quá nhanh khiến cho kết cấu hạ tầng không theo kịp.

Tuy nhiên, TP.HCM cũng chỉ yêu cầu các cơ quan cấp phép cho các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ tập trung đông người (nhà hàng, khách sạn, trung tâm tiệc cưới, siêu thị...) phải kiểm tra đáp ứng số chỗ đậu xe chứ không đặt ra yêu cầu cụ thể nào khác.

Vậy nên cao ốc cứ mọc đều đều!

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP