Giao thông Thành phố Hồ Chí Minh 2010

Cập nhật 19/02/2010 10:50


Cầu Thủ Thiêm kết nối Bình Thạnh với Q.2 - Ảnh: Diệp Đức Minh
Nhiều công trình lớn đưa vào sử dụng trên tuyến xuyên tâm, lô cốt trong nội thành sẽ giảm dần rồi rút ra các quận ven, nhưng lo nhất là nạn kẹt xe ở hai đầu cửa ngõ thành phố sẽ thêm trầm trọng.

Hai công trình lớn là đại lộ Đông Tây và cầu Phú Mỹ đã khánh thành nhưng vẫn chưa thể phát huy hết vai trò giải tỏa giao thông vì đại lộ Đông Tây mới thông xe 13 km của giai đoạn 1, còn cầu Phú Mỹ thiếu mạng lưới đường kết nối nên vẫn cấm xe tải nặng lưu thông. Trong năm nay, những “khiếm khuyết” này sẽ được khắc phục.

Đường chạy xuyên tâm

Đại lộ Đông Tây có bề rộng từ 60 - 100m, cho phép xe chạy với tốc độ 80 km/giờ, hiện mới đảm bảo cho xe cộ lưu thông từ phía tây (nút giao quốc lộ 1A, H.Bình Chánh) đến trung tâm TP (cầu Calmette, Q.1). Còn đoạn đường mới Thủ Thiêm phía Q.2 và hầm chui Thủ Thiêm vẫn đang trong quá trình xây dựng. Ông Vương Hoàng Thanh - Phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây - cho biết, dự kiến ngày 30.4.2010, 5 km phần đường mới Thủ Thiêm phía Q.2 sẽ thông xe một nửa bề rộng mặt đường (tương đương 50m) và đưa vào sử dụng hạng mục nút giao thông Cát Lái (nằm trên xa lộ Hà Nội, Q.2). Đến tháng 9.2010, tiếp tục thông xe nửa bề rộng mặt đường còn lại. Riêng hầm chui Thủ Thiêm với quy mô lớn nhất Đông Nam Á dự kiến hoàn thành thông xe vào quý 1/2011. Như vậy, trong năm nay, toàn bộ đại lộ Đông Tây dài 18 km đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và H.Bình Chánh sẽ được đưa vào sử dụng. Riêng hầm Thủ Thiêm trễ lắm là đến đầu năm 2011 sẽ có những chuyến xe đầu tiên băng sông Sài Gòn.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm mới, TP.HCM liên tục thông xe hàng loạt công trình có quy mô lớn, xuyên tâm, đóng vai trò giải tỏa giao thông. Trong đó, đường trục Bắc Nam đã chính thức thông xe giai đoạn 2 vào cuối tháng 1, cho phép xe cộ lưu thông thông suốt từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (Q.7) đến khu công nghiệp - cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), dài hơn 10 km.

Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, nối từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP.HCM, sau nhiều năm nhếch nhác vì thi công ì ạch, cũng khánh thành giai đoạn 1 vào đầu tháng 2. Hiện trục đường "ngoại giao" này đã thoát hẳn hình ảnh bê bối thường thấy, trở thành một trong những tuyến đường có thiết kế tốt về vỉa hè, đèn chiếu sáng, dải phân cách... Và trên hết, bề rộng đường được mở lên 6 làn xe sẽ phần nào giải quyết nhu cầu lưu thông rất lớn cho cửa ngõ quốc tế của TP.HCM.

Lãnh đạo TP.HCM khẳng định sẽ khởi công xây dựng bãi đậu xe ngầm công cộng đầu tiên của TP tại Công viên Lê Văn Tám vào tháng 3. Dự án có kinh phí trên 100 triệu USD, sức chứa hơn 2.000 xe máy, 1.200 ô tô, 28 xe buýt và xe tải, hoàn thành sau 30 tháng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại Công viên Lê Văn Tám được bao bọc 3 mặt bởi các trục huyết mạch là Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ. Đây là các tuyến đường vốn đã thường xuyên quá tải nên việc thi công hầm đậu xe sẽ kéo theo ùn tắc nghiêm trọng.

Cầu thoát cảnh “thả diều”

Cầu Thủ Thiêm bắc qua sông Sài Gòn, kết nối Q.Bình Thạnh với Q.2 đã thông xe giai đoạn 2 trong tháng đầu năm mới góp phần giúp cây cầu này thoát cảnh trở thành nơi “thả diều” suốt hơn 1 năm qua do thiếu đường kết nối. Trong đó, hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh và nhánh cầu N1 rẽ trái từ cầu ra đường Nguyễn Hữu Cảnh giúp giải tỏa xe cộ lưu thông qua cầu Thủ Thiêm phía đầu Bình Thạnh. Ngoài ra, nút giao cầu Thủ Thiêm - Nguyễn Hữu Cảnh - Ngô Tất Tố đang tiếp tục hoàn thiện trong năm nay, gồm xây dựng 4 nhánh cầu để đi ra các hướng đường Tôn Đức Thắng, đường Ngô Tất Tố, cầu Sài Gòn, kết hợp với mở rộng đường Ngô Tất Tố lên gấp 4 lần. Khi đó cầu Thủ Thiêm cùng với sự thông xe của đại lộ Đông Tây sẽ thực sự đảm bảo được nhu cầu lưu thông về hướng đông, thúc đẩy khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển.

Cầu Phú Mỹ (nối từ Q.7, vượt sông Sài Gòn, qua Q.2), cây cầu dây văng hiện đại và lớn nhất TP.HCM, đã thông xe hoành tráng trong năm qua nhưng lại tiếp tục đi vào “vết xe đổ” của cầu Thủ Thiêm do căn bệnh “cầu đường thiếu đồng bộ”. Hiện cây cầu này vẫn phải chờ hoàn thiện mạng lưới đường kết nối mới có thể phát huy cao nhất vai trò giải tỏa giao thông. Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, 2 công trình nút giao thông khu A Nam Sài Gòn (làm cầu vượt từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường nối cầu Phú Mỹ) và đường trên cao (nối từ nút giao khu A Nam Sài Gòn đến cầu Phú Mỹ phía Q.7) dự kiến hoàn thành chậm nhất là giữa năm 2010. Bên cạnh đó, TP cũng đang triển khai dự án đường vành đai phía đông nối từ cầu Phú Mỹ phía Q.2 ra xa lộ Hà Nội, nhằm rút ngắn đáng kể lộ trình cho xe lưu thông giữa 2 đầu đông-tây TP bằng cầu Phú Mỹ.

Lô cốt từ quận trung tâm sẽ ra quận ven

Cùng với việc đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng, trong năm nay, áp lực “lô cốt” tại các tuyến đường trung tâm cũng sẽ giảm đáng kể. Ông Đậu An Phúc - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải) - cho biết, dự án Vệ sinh môi trường đang trong giai đoạn nước rút, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2010. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm “lô cốt” thuộc dự án này ở các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp sẽ được tháo dỡ, trả lại mặt bằng hoàn toàn cho giao thông. Tương tự, gói thầu D dự án Cải thiện môi trường nước cũng dự kiến hoàn thành tháng vào 8.2010, tháo dỡ hàng chục “lô cốt” tại các quận 5, 10.

Tuy nhiên, “lô cốt” sẽ được "đẩy" dần từ trung tâm ra quận ven như quận 6, 11 do dự án Nâng cấp đô thị và các dự án xây dựng hệ thống thoát nước của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước sẽ đẩy mạnh thi công ở khu vực này.

Thắt cổ chai ở các cửa ngõ

Điều đáng lo ngại nhất là 2 trục cửa ngõ quan trọng ở 2 đầu đông - tây TP trong năm nay sẽ bị thắt cổ chai đáng kể để phục vụ thi công các công trình trên tuyến. Tại xa lộ Hà Nội hiện triển khai rất nhiều công trình tại các vị trí vốn là điểm nóng về kẹt xe như: ngã ba Cát Lái (thi công đại lộ Đông Tây), cầu Rạch Chiếc (thi công cầu Rạch Chiếc mới), ngã tư Bình Thái (thi công mở rộng xa lộ Hà Nội)...

Cũng đi về phía đông, cầu Bình Triệu 1 đang trong giai đoạn nâng cấp với mặt cầu bị thu hẹp cũng khiến hướng lưu thông này thường xuyên quá tải. Chỉ đến khi việc nâng cấp cầu hoàn thành vào tháng 8.2010 thì tình hình đi lại tại đây sẽ khả quan hơn do mặt cầu được mở rộng từ 2 lên 3 làn xe. Tuy nhiên, dự án cầu đường Bình Triệu 2 - mở rộng các nút giao, tuyến đường xung quanh khu vực Bến xe Miền Đông - đang được khởi động lại nên tình hình giao thông ở hướng cửa ngõ này sẽ khó khăn trong một thời gian dài. Tại cửa ngõ phía tây, việc lưu thông cũng sẽ rất phức tạp do quá trình thi công nút giao Bình Thuận (nằm trên quốc lộ 1A và đại lộ Nguyễn Văn Linh, một hạng mục của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương).

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên