Giao thông chuyển động, dự án chuyển mình

Cập nhật 22/08/2014 16:12

Cơ sở hạ tầng vẫn luôn là yếu tố quan trọng trong việc phát triển các dự án bất động sản. Hàng loạt các dự án giao thông lần lượt khởi công xây dựng ở TP. Hồ Chí Minh thời gian gần đây đang tạo động lực cho các dự án bất động sản, trong đó có các dự án ở khu vực Nam Sài Gòn.


Hàng loạt các dự án giao thông lần lượt khởi công xây dựng ở TP. Hồ Chí Minh thời gian gần đây đang tạo động lực cho các dự án bất động sản. Nguồn: internet

Hạ tầng phát triển

Trung tuần tháng 7 rồi, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài khoảng 57km với tổng kinh phí lên đến 1,6 tỉ đô la Mỹ. Tuyến đường cao tốc 4 làn xe này bắt đầu từ điểm giao giữa đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và đường Vành đai 3 đến điểm cuối là đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đi qua huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Dự kiến khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ rút ngắn khoảng cách giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ mà không cần phải đi qua TP. Hồ Chí Minh. Điều này cũng mở thêm một hướng thông thương nữa cho khu vực Nam Sài Gòn, nơi cơ sở hạ tầng vốn đã thay đổi khá nhiều trong thời gian vừa qua.

Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch đến năm 2025, UBND TP. Hồ Chí Minh đã xác định mô hình phát triển của thành phố ra bốn hướng. Theo đó, thành phố sẽ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, nhằm kết nối các khu đô thị theo quy hoạch, trong đó ưu tiên hai hướng chính là Đông và Nam. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm nay, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã xác định, trong 11 dự án hạ tầng giao thông đầu tư giai đoạn 2014 - 2018, sẽ xây dựng khép kín đường Vành đai 2 phía Đông và Tây thành phố.

Tại phía Tây, tuyến đường này sẽ đi qua quận 8, Bình Tân và Bình Chánh thông qua cầu Phú Định nối liền quận 6 và quận 8. Theo kế hoạch, tuyến đường này sẽ được khởi công xây dựng vào năm tới và hoàn thành năm 2018. Đây là một trong những tuyến đường quan trọng nối liền các khu đô thị phía Nam và Tây thành phố, thông qua đường Hồ Học Lãm đổ ra đại lộ Võ Văn Kiệt và nối trực tiếp vào tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương để đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ngược lại, người dân ở các khu đô thị này có thể di chuyển một cách nhanh chóng sang khu vực quận 2, quận  9 và Thủ Đức xuyên qua đại lộ Nguyễn Văn Linh và cầu Phú Mỹ.
So với các khu vực khác, khu Nam Sài Gòn phát triển khá đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật kể từ khi hình thành từ năm 1994. Xoay quanh “hạt nhân” Phú Mỹ Hưng, hàng loạt công trình công cộng đã mọc lên như Bệnh viện FV, Viện Tim Tâm Đức, Đại học RMIT, siêu thị Lotte Mart, Saigon Paragon, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn, các trường học quốc tế… Cùng với đó, nhiều công ty trong và ngoài nước cũng đến đây đặt trụ sở hoặc chi nhánh giao dịch như Vinamilk, Manulife, Unilever…

“Cú hích” cho bất động sản

Nếu xem khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một “hạt nhân” thì hiện nay hạt nhân này đang nhanh chóng phình to với hàng loạt dự án bất động sản lớn nhỏ mọc lên xung quanh.

Ở phía xa nhất có dự án khu đô thị cảng Hiệp Phước có quy mô hơn 3.900 héc ta với 3 giai đoạn: các khu công nghiệp, hệ thống cảng và dịch vụ cảng và cuối cùng là khu đô thị có quy mô gần 200.000 dân.

Cũng trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ dẫn ra khu đô thị cảng Hiệp Phước còn có dự án GS Metrocity của Công ty GS E&C của Hàn Quốc đầu tư, với diện tích hơn 349 héc ta, trong đó các khu dân cư chiếm trên 155 héc ta với vốn đầu tư được công bố khoảng 3.000 tỉ đồng.

Những dự án quy mô nhỏ hơn nhưng đầu tư khá bài bản trong khu vực này như dự án EHome 5 - The Bridgeview thuộc khu đô thị Nam Long Tân Thuận Đông có quy mô 2,2 héc ta do Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư cũng đang dần hoàn thiện khi quý 4 này sẽ giao các căn hộ ở block B.

Từ dự án, chỉ cần 10-15 phút là có thể tiếp cận các quận nội thành hiện hữu thông qua các trục đường giao thông huyết mạch như cầu Kênh Tẻ, cầu Phú Mỹ, cầu Tân Thuận 2, cầu Khánh Hội, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Văn Cừ.

Theo giới kinh doanh bất động sản, đây là một trong ít cụm căn hộ hiếm hoi của thành phố được đặt trong tổng thể quy hoạch hoàn chỉnh của một khu đô thị rộng 28 héc ta đã phát triền và thu hút dân cư về sinh sống sầm uất gần 10 năm qua. Dự án căn hộ này thừa hưởng toàn bộ cơ sở hạ tầng và tiện ích công cộng của khu đô thị Nam Long Tân Thuận Đông bao gồm trường học, công viên, khu y tế, khu vui chơi giải trí, khu thể dục thể thao và siêu thị bên cạnh những tiện ích riêng của mình.

Chuyển động thị trường

Ông Trương An Dương, Giám đốc nghiệp vụ tư vấn bất động sản và kinh doanh nhà ở của Savills Vietnam, cho biết trong quí 2 vừa qua, khu Nam Sài Gòn cũng là nơi tập trung nguồn cung căn hộ nhiều nhất trong quí vừa qua, với khoảng 3.500 căn hộ, tiếp đến là quận 2 khoảng 2.000 căn, và sau đó là các quận Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức….

Đánh giá tình hình thị trường bất động sản sáu tháng đầu năm nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, cho rằng mặc dù thị trường vẫn còn khó khăn, nhưng điều đáng mừng là đã có dấu hiệu hồi phục với số lượng giao dịch gia tăng, phân khúc căn hộ quy mô vừa và nhỏ (dưới 70 mét vuông/căn) và có giá bán hợp lý (trên dưới 15 triệu đồng/mét vuông) vẫn là xu hướng chủ đạo. Tiêu biểu như các dự án của Lê Thành, Nam Long, Hưng Ngân, Hưng Thịnh…

Sở dĩ có sự chuyển biến này là do giới chủ đầu tư áp dụng chiến lược bán hàng ưu đãi, bao gồm trong giá bán gói nội thất, vàng, phiếu mua hàng; giảm giá bán và lịch thanh toán dài hạn. Hầu hết các giao dịch được diễn ra ở các dự án có tiến độ xây dựng tốt hoặc sắp hoàn thành. Ngược lại với những năm trước đây, hiện nay chủ đầu tư chỉ công bố bán dự án sau khi đã hoàn thành hoặc gần hoàn thành, và điều này đã tạo được niềm tin cho người mua.

Theo Savills Vietnam, dự kiến sẽ có khoảng 1.450 căn hộ tham gia thị trường trong hai quí tiếp theo của năm nay. Còn trong giai đoạn 2015-2017 sẽ có thêm khoảng 57.300 căn hộ từ 92 dự án mới gia nhập thị trường.


DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí