Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất rừng phòng hộ chỉ được chuyển nhượng cho những người trong xã. Do vậy, việc cấp “sổ đỏ” cho người bên ngoài là sai quy định, cần phải thu hồi.
Chiều ngày 18/10, trao đổi với phóng viên Dân trí, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) đã phân tích những vấn đề liên quan đến việc chuyển nhượng, cấp “sổ đỏ” và xây dựng trên đất rừng phòng hộ ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Không “bán” đất rừng cho người ngoài xã
- Những hộ dân khi đã được giao đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, họ có được quyền chuyển nhượng không, thưa ông?
- Theo quy định của pháp luật (trước khi có Luật Lâm nghiệp), rừng phòng hộ chỉ được chuyển nhượng cho những người dân trong xã. Còn quy định của Luật Lâm nghiệp hiện nay, không được chuyển nhượng đất rừng phòng hộ.
Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT quy định trước đây, đất rừng phòng hộ chỉ được chuyển nhượng người dân trong xã
|
- Còn việc chính quyền cấp “sổ đỏ” rừng phòng hộ cho người dân thì sao?
- Người dân được cấp “sổ đỏ” để tạo sự ổn định khi chúng ta chưa đưa được họ ra khỏi rừng. Nhưng cấp “sổ đỏ” không có nghĩa muốn chuyển nhượng cho ai cũng được, vì nó vẫn đang là đất rừng. Như tôi đã nói là chỉ được chuyển nhượng cho những người dân trong xã, có cùng hoàn cảnh.
- Chính quyền xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) cho biết, mỗi hộ dân chỉ được xây dựng trên diện tích không quá 200 m2 đất rừng. Theo ông, công trình trên thửa đất này có được xây kiên cố hay không?
- Trong trường hợp nhà nước chưa đầu tư để đưa người dân ra khỏi rừng và vẫn công nhận việc sản xuất, cư trú của họ trong rừng, thì chỉ được xây những ngôi nhà đáp ứng nhu cầu, tức là nhà thuộc khu vực nông thôn.
Còn những ngôi nhà xây quá 200 m2 trong rừng phòng hộ là sai. Việc xây dựng những ngôi nhà kiên cố ở rừng phòng hộ cũng không đúng quy định. Ngoài ra, chúng ta cũng cần căn cứ trên hiện trạng người dân địa phương đang sống trong rừng phòng hộ thế nào thì nên thừa nhận như vậy.
Kỷ luật những người dung túng cho cái sai
- Quanh khu đất của gia đình ca sĩ Mỹ Linh ở xã Minh Phú có hàng trăm biệt thự được xây dựng rất bề thế, với đủ loại kiến trúc khác nhau. Qua đó, ông đánh giá thế nào việc quản lý đất rừng phòng hộ của huyện Sóc Sơn?
- Trường hợp của gia đình ca sĩ Mỹ Linh được Sở TN-MT Hà Nội nói rõ quan điểm từ năm 2013. Tôi nhớ khi đó anh Nghĩa (Nguyễn Hữu Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc Sở TN-MT) nói rõ đây là trường hợp trái pháp luật. Nhưng từ đó đến nay, Hà Nội chưa xử lý. Chính việc không xử lý như vậy nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay là xây dựng tràn lan. Hàng loạt dinh cơ tiếp tục mọc lên và rừng lại tiếp tục bị mất.
-
Để xảy ra tình trạng như vậy, theo ông trách nhiệm của từng cấp ngành của TP Hà Nội cần phải xác định cụ thể như thế nào?
- Tôi cho rằng, trách nhiệm trực tiếp là chính quyền xã khi xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng. Đây là hành vi hoàn toàn trái pháp luật mà họ cứ làm, đây là tội nặng nhất.
Với cấp huyện, khi pháp luật quy định không được cấp sổ đỏ trong trường hợp này mà họ vẫn làm là sai.
Còn TP Hà Nội, có trách nhiệm không? Tôi cho là có trách nhiệm. Câu chuyện đã rất rõ ràng từ năm 2008, rồi 2013, nhưng Hà Nội vẫn không xử lý. Vậy tại sao Hà Nội không xử lý, là câu hỏi lớn đặt ra ở đây.
Các Bộ liên quan, cụ thể ở đây là Bộ TN-MT, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm không? Tôi cũng cho là có. Tại sao khi các cấp của Hà Nội làm những chuyện sai như vậy, nhưng cơ quan Trung ương không can thiệp?
Một khu dinh cơ ở xã Minh Phú huyện Sóc Sơn. (Ảnh: Toàn Vũ)
|
- Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn cho rằng, việc xử lý những công trình lớn như của ca sĩ Mỹ Linh, phủ Thành Chương cần phải chờ ý kiến của TP Hà Nội và Bộ TN-MT, NN&PTNT?
- Quy định hiện nay rất rõ ràng là nếu xây dựng sai phép thì phải dẹp bỏ. Vấn đề rõ như vậy mà cần phải có quyết định của Trung ương thì thực sự đó là tiếng nói rất yếu ớt, chưa thực hiện đúng trách nhiệm của chính quyền địa phương.
- Cụ thể ở đây, ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn nói là trong kết luận Thanh tra Chính phủ có nêu là phải xin ý kiến cấp Bộ, chứ “huyện không tự nghĩ ra”. Liệu đây có phải là việc cố tình đùn đẩy trách nhiệm không?
- Trong trường hợp này, trách nhiệm quản lý đã rõ, sai phạm cũng đã rõ rồi, theo tôi thì cứ đúng thẩm quyền mà xử lý, không cần phải hỏi ý kiến các cấp nữa.
Tất nhiên, họ làm như vậy cũng là cẩn thận, nhưng theo tôi lúc này nên dẹp hết những cái cũ đi, mà nên tập trung xác định ai sai, vì sao làm sai như vậy và xử lý thế nào cho đúng pháp luật.
Việc này, TP Hà Nội nên xử lý cương quyết, kỷ luật tất cả những ai dung túng cho cái sai này. Có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được rừng.
Phải dẹp bỏ biệt thự xây trên đất rừng
- Với trường hợp cụ thể là nhà ca sĩ Mỹ Linh trong rừng phòng hộ xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, từ năm 2013, ông đã từng lên tiếng nhưng cho đến nay sự việc vẫn nhùng nhằng chưa được giải quyết triệt để. Ông đánh giá thế nào về cách xử lý của TP Hà Nội, trong trường hợp này?
- Tôi cho đó là việc rất yếu kém của chính quyền TP Hà Nội! Tại sao một việc tày đình như vậy, xây dựng công trình đồ sộ trong rừng mà lại cứ để nghiễm nhiên?
Việc chuyển nhượng khu đất này diễn ra từ 2001, kéo dài đến năm 2008 chưa sang tên. Địa phương nói rằng, khuyết điểm ở đây là chưa sang tên mà thôi. Tôi nói thực, đây là trường hợp không được chuyển nhượng cho người bên ngoài.
Theo tôi, càng những người nổi tiếng, nhân dân biết tên, thì càng phải gương mẫu. Bởi chúng ta biết rằng, đất rừng mà chuyển nhượng thì rất rẻ. Nhưng khi đã xây dựng lên được một khu bề thế thì những cá nhân đó đang làm giàu bằng chính tài nguyên của đất nước.
Người dân vào sống trong rừng phòng hộ ở xã Minh Phú từ đầu những năm 1990
|
- Việc huyện Sóc Sơn cấp “sổ đỏ” 600 m2 đất ở cho gia đình ca sĩ Mỹ Linh trong thửa đất hơn 12.000 m2 là đúng hay sai?
- Việc cấp “sổ đỏ” cho đúng tên là sai hoàn toàn, bởi vì việc chuyển nhượng là trái pháp luật. Ngay cả việc xã xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng đó cũng là trái pháp luật.
- Với những cái sai như vậy, theo ông, TP Hà Nội có nên thu hồi “sổ đỏ” này không?
- Thu hồi “sổ đỏ” là đương nhiên! Chỉ có điều là cái dinh cơ như vậy có bị dẹp bỏ hay không? Quan điểm của tôi là dẹp bỏ nó đi. Vì chúng ta cứ đặt câu hỏi vì sao mất rừng nhiều thế, thì đây là một trong những câu trả lời tại sao rừng bị mất. Bây giờ để tránh mất rừng thì chúng ta phải xử lý cương quyết.
- Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí