Giao dịch BĐS không qua sàn sẽ không được cấp giấy chứng nhận sở hữu

Cập nhật 31/07/2009 09:10

Sàn giao dịch BĐS của ngân hàng Á châu đang là địa chỉ khá uy tín của nhiều khách hàng bởi tính hiệu quả và sản phẩm tốt. (Ảnh TBKTSG)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoRea) nhận định, hiện nay mới chỉ có khoảng 50% giao dịch BĐS là được thực hiện trên sàn giao dịch.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Tới đây Bộ sẽ tiến hành kiểm tra kiểm soát, nếu BĐS không được giao dịch qua các sàn giao dịch BĐS sẽ không được cấp Giấy chứng nhận sở hữu.

Nhận định này đưa ra sau khi Nghị Định 153 của Bộ Xây dựng quy định kể từ 1/1/2009, tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh môi giới BĐS, dịch vụ định giá BĐS, dịch vụ sàn giao dịch BĐS phải có đủ người có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm này các hoạt động giao dịch BĐS qua sàn vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Theo ông Châu, nguyên nhân là do khách hàng chưa mấy mặn mà với việc mua bán BĐS qua sàn vì mất thời gian. Thường thì khi người có BĐS lẻ muốn bán họ sẽ tìm đến "cò" nhà đất, chấp nhận cho "cò" ăn hoa hồng hoặc tự rao bán trên mạng cho nhanh.

Hơn nữa, làm như vậy thì người bán sẽ không mất một khoản phí tương đối để nộp cho sàn (khoảng 1- 2% tùy sàn), trong khi thông qua quảng cáo trên báo thì không mất phí này.

Mặt khác, số giao dịch BĐS thông qua sàn còn ít một phần vì tài sản của họ chưa đủ các giấy tờ theo quy định nên dù muốn các chủ BĐS cũng không thể đủ điều kiện để giao dịch qua sàn theo quy định (Theo quy định: Tài sản BĐS giao dịch qua sàn phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, minh bạch. Nhưng trên thực tế, việc cấp giấy tờ chủ quyền nhà đất vẫn chưa hoàn thành làm cho những chủ tài sản BĐS dù có tài sản hợp pháp nhưng vì chưa đủ giấy tờ cần thiết nên vẫn buộc phải giao dịch ngoài sàn).

"Ngoài ra, việc tính giá bán hiện nay theo quy định của nhà nước thường thấp hơn giá thị trường làm cho người bán tìm cách "lách" để thu về lợi nhuận cao hơn, còn nhà nước thì thất thu thuế", ông Châu cho hay.

Cũng theo ông Châu, hiện nay đang tồn tại 2 loại sàn giao dịch BĐS: Sàn chuyên nghiệp, bán tất cả các sản phẩm của mọi người bán, và loại sàn của chính chủ đầu tư chỉ bán sản phẩm của Cty mình, nhằm tránh phí giao dịch qua sàn khác.

Tuy nhiên cả 2 loại sàn này đang rất thiếu các thiết bị kết nối thị trường. Đồng thời còn nhiều kẽ hở để các nhân viên trên sàn bắt tay với "cò" để kiếm sống bằng hoa hồng, nhất là đối với những sản phẩm đang hút khách.

Thừa nhận việc triển khai giao dịch BĐS qua sàn vẫn rất khiêm tốn, tuy nhiên ông Cao Lê Tuấn, Tổng thư ký Mạng các sàn giao dịch BĐS Việt Nam, cho rằng việc bắt buộc này rất khó thực hiện.

"Mặc dù Thông tư 13 ban hành nhằm buộc tất cả các giao dịch phải thông qua sàn. Tuy nhiên, Luật Dân sự lại quy định, mỗi công dân đều có quyền quyết định tài sản của mình, vì thế quy định về giao dịch BĐS qua sàn không thể ép người dân vào đây được, chủ yếu các dự án lần đầu phải giao dịch qua sàn", ông Tuấn phân tích.

Theo ông Tuấn, ngoài việc cần tiếp tục hoàn chỉnh các quy định của pháp luật, các sàn giao dịch BĐS cần phải làm tốt hơn công việc của mình để thu hút người dân tự nguyện tham gia. Chẳng hạn, ngoài việc tư vấn, hỗ trợ khách hàng trong việc tìm hàng, làm các thủ tục, thì mỗi sàn cần trở thành trung tâm công chứng để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định: Tới đây Bộ sẽ tiến hành kiểm tra kiểm soát, nếu BĐS không được giao dịch qua các sàn giao dịch BĐS sẽ không được cấp Giấy chứng nhận sở hữu. Đồng thời, chủ đầu tư sẽ bị phạt hành chính và BĐS phải được khôi phục lại tình trạng ban đầu để đưa ra sàn giao dịch.

Ông Nam cũng lưu ý thêm đối với việc giao dịch giữa người sở hữu và người khác mà sản phẩm đó đã được giao dịch qua sàn thì không bắt buộc phải qua sàn giao dịch.

Bà Vũ Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Kinh doanh BĐS (Bộ Xây dựng), khuyến cáo các cá nhân, tổ chức, DN nên mua bán BĐS qua sàn vì ở đó các chuyên viên BĐS sẽ tư vấn được cho người dân rất nhiều, mà trước hết là về giá và thủ tục pháp lý.

Theo bà Hòa, hiện nay nhiều người dân có BĐS bán song không nắm được giá cả chính xác tài sản của mình, vì vậy việc giao dịch BĐS qua sàn sẽ giúp người dân nắm rõ hơn về giá cả cũng như độ chính xác của hồ sơ pháp lý chuyển nhượng.

"Sự am hiểu của người dân cũng có giới hạn và người làm chuyên nghiệp về BĐS sẽ giúp được cho cả người bán và người mua. Hơn nữa, các giao dịch ngoài sàn thường dễ xảy ra rủi ro do không có đủ thông tin về tình trạng tổng thể của BĐS nên đã có rất nhiều trường hợp tiền mất tật mang, khiếu kiện kéo dài từ các giao dịch này", bà Hòa cảnh báo.

Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 142 sàn giao dịch BĐS đã đăng ký hoạt động tại trang web của Bộ Xây dựng (www.moc.gov.vn), đã đào tạo và cấp được hơn 1,2 nghìn chứng chỉ môi giới BĐS và gần 500 chứng chỉ định giá BĐS.

Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực từ 1/1/2007 cũng có nghĩa các quy định trong Luật, trong đó có việc bắt buộc phải giao dịch qua sàn cũng có hiệu lực từ thời điểm đó.

Trong Nghị định 153 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh BĐS quy định: Kể từ 1/1/2009, tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh môi giới BĐS, dịch vụ định giá BĐS, dịch vụ sàn giao dịch BĐS phải có đủ người có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận theo đúng quy định.

Nghị định 153/NĐ - CP, Thông tư 13 của Bộ Xây dựng và một số văn bản khác đã có những quy định cụ thể về việc các giao dịch BĐS phải qua sàn, phạt nặng có thể đến 50 - 60 triệu đồng các giao dịch BĐS thuộc diện phải qua sàn nhưng không qua sàn.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News