Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết, năm 2015 đánh dấu bước hồi phục đáng ghi nhận của thị trường BĐS với thanh khoản được cải thiện trên nhiều phân khúc đặc biệt là ở phân khúc thị trường căn hộ.
Theo thống kê từ Hiệp hội BĐS, lượng căn hộ bán ra tại thị trường Hà Nội tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể trong 3 quý đầu năm có 5.700 giao dịch, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2014. Dòng tiền dồi dào đang đổ vào thị trường BĐS là nguyên nhân chính đẩy giao dịch thị trường BĐS tăng mạnh hơn cả thời kỳ đỉnh cao trước đó. Trong bối cảnh thị trường có những dấu hiệu ấm lên, các nhà hoạch định chính sách đã ban hành những khung pháp lý cởi mở nhằm khai thông thị trường, lòng tin của người mua được củng cố. Các hiệp định quốc tế mở ra những triển vọng tươi sáng cho thị trường. Trên thế giới hiện nay, số lượng người đầu tư vào BĐS ngày càng tăng, quy mô cũng ngày càng lớn. Với Việt Nam, khi thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ có khoảng 2,5 - 3 triệu người từ nông thôn ra TP, cùng với nền kinh tế đi lên, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ... sẽ khiến nhu cầu BĐS tăng. Điều tra khảo sát cho kết quả đến năm 2018, nhu cầu BĐS mới cân bằng với cung, tạo ra lợi nhuận cân bằng. Sau năm 2018, cầu sẽ lớn hơn cung và đến năm 2021 - 2023 mới có thể có bong bóng BĐS. Nhưng bong bóng cũng không lớn.
DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT