Ngày 25.3, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản để bàn về những phác thảo đầu tiên cho dự luật đăng ký bất động sản. "Một giấy, một cơ quan đăng ký" sẽ là tư tưởng xuyên suốt của dự luật này.
Cần thống nhất một cơ quan đăng ký
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho rằng, hiện tại việc đăng ký bất động sản và cung cấp thông tin về tình trạng bất động sản không nhanh chóng, thuận tiện và chính xác là do các cơ quan trực tiếp thực hiện việc đăng ký bất động sản bị phân tán về thẩm quyền theo loại tài sản, theo chủ sử dụng bất động sản và theo địa giới hành chính. "Mọi nỗ lực cải cách thủ tục hành chính chỉ có thể đạt hiệu quả hạn chế nếu chúng ta chưa xây dựng được một hệ thống cơ quan đăng ký tập trung, thống nhất" - bà Hiền khẳng định.
Theo bà Hiền, Luật Đăng ký bất động sản (dự kiến được trình Chính phủ tháng 11.2008 và trình ra Quốc hội tháng 6.2009) sẽ được xây dựng thành đạo luật chung, quy định thống nhất việc đăng ký bất động sản, bao gồm cả đăng ký cấp giấy chứng nhận chủ quyền đối với nhà, đất và các bất động sản khác.
Các chuyên gia tham dự hội thảo đều thống nhất, việc xây dựng mô hình cơ quan đăng ký tập trung sẽ giảm chi phí (thời gian, tài chính) cho người dân trong việc yêu cầu Nhà nước ghi nhận quyền đối với bất động sản và tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của bất động sản.
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - đơn vị được giao chủ trì soạn thảo dự luật đang đề xuất 3 mô hình cơ quan đăng ký: cơ quan đăng ký bất động sản được tổ chức theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương không phụ thuộc vào UBND cùng cấp; xây dựng một hệ thống duy nhất tại địa phương do UBND cấp tỉnh quản lý, có tư cách pháp nhân, là đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán độc lập; và giữ hệ thống đăng ký bất động sản 2 cấp như mô hình Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hiện nay.
Không bắt buộc công chứng, chứng thực
Theo ông Trần Đông Tùng, Phó cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm, để thống nhất "một giấy, một cơ quan đăng ký" đối với bất động sản, ngoài những điều chỉnh tất yếu trong pháp luật về đất đai, nhà ở, công trình xây dựng cần phải có những cải cách ở 2 khâu là công chứng, chứng thực giao dịch và thu thuế. "Tôi cho rằng không nên quy định công chứng, chứng thực là thủ tục bắt buộc trong trình tự đăng ký giao dịch bất động sản như hiện nay, mà chỉ nên là quyền lựa chọn của các bên" - ông Tùng nói.
Theo dẫn chứng của ông Tùng, các chuyên gia quốc tế đã khảo sát và kết luận, ở những nước mà công chứng viên phụ trách toàn bộ quá trình đăng ký (như Việt Nam), chi phí trung bình cao hơn 33% so với những nơi không đòi hỏi như vậy. "Đó là chưa kể đến sự chồng chéo, trùng lặp về trách nhiệm, công việc giữa cơ quan công chứng và cơ quan đăng ký bất động sản", ông Tùng phân tích.
"Cắt giảm các khoản phải nộp liên quan đến hoạt động đăng ký bất động sản cũng là giải pháp được áp dụng phổ biến nhằm cải cách hoạt động đăng ký" - ông Trần Đông Tùng nói. Đồng thời với việc cải cách hệ thống đăng ký phải đơn giản hóa thuế và phí liên quan đến bất động sản.
Theo ông Tùng, giải pháp mà nhiều quốc gia lựa chọn là gộp các khoản phí, lệ phí và thuế phải nộp thành một khoản thanh toán tại cơ quan đăng ký và cắt giảm mức thu. "Trong điều kiện ở Việt Nam, việc áp dụng giải pháp này phải gắn liền với việc xây dựng cơ chế ủy quyền cho Văn phòng đăng ký bất động sản thu thuế trên cơ sở mức thuế được công bố công khai, rõ ràng. Khi đó, trong quá trình giải quyết yêu cầu đăng ký bất động sản, nếu chấp nhận đăng ký thì Văn phòng đăng ký bất động sản sẽ trực tiếp thu từ người yêu cầu đăng ký và chuyển cho cơ quan thuế theo định kỳ" - ông Tùng đề xuất.