Theo các chuyên gia bất động sản và giới đầu tư, việc thay đổi tỷ giá phần nào tác động đến hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ cố gắng cân đối và cơ cấu lại để giá thành sản phẩm phù hợp với thị trường cũng như túi tiền của người tiêu dùng.
Vừa qua, giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng đôla Mỹ và đồng Việt Nam được điều chỉnh tăng với mức 1%, bên cạnh đó tỷ giá cũng được nới biên độ từ +-2% lên mức +-3%.
Từ đó, theo ông Lê Chí Hiếu- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức cho rằng, giá sản phẩm BĐS có tăng nhưng tăng không cao. Lý giải điều này, theo ông Hiếu, tỷ giá tăng tạo điều kiện tốt cho xuất khẩu nhưng nhập khẩu sẽ khó khăn hơn. Tỷ giá sẽ tác động vào vật liệu xây dựng, tuy nhiên giá cả chỉ tăng vào những khoản nhập mới còn trước đó không bị tác động.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA), trước mắt giá sản phẩm BĐS chưa tăng vì có nhiều lý do, tuy nhiên xét về trung và dài hạn thì giá BĐS sẽ tăng, nhưng mức độ bao nhiêu chưa rõ.
Theo các chủ đầu tư, nguyên vật liệu cung cấp cho hoạt động xây dựng rất phong phú và đa dạng. Nghĩa là, vật liệu xây dựng và nội thất xuất xứ ngoại chiếm tỷ lệ nhiều mà nội cũng không ít. Tuy nhiên, hầu hết nguyên vật liệu xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc được các chủ đầu tư sử dụng cho các dự án nhà ở có giá trị trung bình. Giá nguyên liệu vật liệu ở thị trường Trung Quốc khá rẻ, nên nếu có tràn vào ta thì cũng không đội giá lên cao được.
Theo các DN BĐS, cho dù có ảnh hưởng bởi tỷ giá thì DN sẽ cố gắng cân đối và cơ cấu lại để giá thành sản phẩm phù hợp với thị trường cũng như túi tiền của người tiêu dùng. Đại diện một chủ đầu tư cho hay, tỷ giá ảnh hưởng đến lợi nhuận trong đầu tư dự án, nếu không tăng giá thì không ổn mà tăng lại sợ phản ứng ngược. DN đang rà soát và xem xét xem có thể giảm chi phí ở khâu nào.
Bàn về kế hoạch tăng giá của thị trường đối với sản phẩm BĐS ông Lê Chí Hiếu chia sẻ: Sức mua trên thị trường BĐS hiện nay vẫn yếu, thu nhập của người dân vẫn thấp trong khi nhu cầu lúc nào cũng có. Chính vì lẽ đó mà chủ đầu tư nên cân nhắc kỹ chuyện tăng giá bán sản phẩm. Theo ông Hiếu, DN phải biết hài hòa lợi ích của công ty lẫn lợi ích của người tiêu dùng. Tránh tình trạng tăng giá quá cao làm choáng ngợp thị trường. Tức là thực hiện tiết kiệm chi phí quản lý, thiết kế… tạo ra giá thành vừa phải mà thị trường có thể chấp nhận được. Đại diện một DN BĐS cũng cho rằng, thị trường BĐS đang đi vào chu kỳ tăng trưởng nên một động thái nào đó không tích cực sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Các DN sẽ rất cân nhắc vấn đề này.
Để hạn chế khó khăn cho DN từ tác động của tỷ giá, bà Võ Thị Dịu Hiền- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương tín cho rằng, DN BĐS nên cân đối lại cơ cấu nguyên vật liệu sử dụng trong xây dựng. Theo đó, tăng cường sử dụng hàng nội, giảm cơ cấu hàng ngoại trong xây dựng. Đồng thời, sớm mở bán dự án nhằm tranh thủ dòng tiền từ thị trường tài chính chảy qua. Góp ý cho kế hoạch phát triển ổn định thị trường BĐS HOREA định hướng, BĐS phần nào chịu sự tác động từ tỷ giá song DN đầu tư lĩnh vực này cần lựa chọn những sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp tránh tình trạng tăng giá đột biến khi sức mua mới hồi phục.
Liên quan đến tỷ giá tăng HOREA cho rằng, dù tỷ giá có tăng song cùng với các kênh đầu tư khác thì kênh đâu tư BĐS vẫn là kênh có lợi nhuận cao nhất trong thời điểm hiện nay. Tỷ giá tăng là một yếu tố quan trọng thu hút người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Trước đó, chính sách quy định cho người nước ngoài mua cũng có hiệu lực từ ngày 1/7. Thời gian tới thị trường BĐS kỳ vọng lớn vào đối tượng khách hàng này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết