Dù đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng việc giao đất dịch vụ ở các địa phương trên địa bàn thành phố vẫn chậm. Để hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2017, lãnh đạo thành phố yêu cầu khẩn trương có biện pháp đẩy nhanh giao đất dịch vụ, báo cáo kết quả từng tuần, từng công việc cụ thể.
Trên địa bàn thành phố hiện có 590 dự án thu hồi đất nông nghiệp (với diện tích đất là 7.518ha) thuộc trường hợp phải giao đất dịch vụ cho các hộ dân, số hộ được giao đất dịch vụ là 76.571 hộ, diện tích 795,216ha. Theo ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN-MT), hiện nay các vướng mắc về cơ chế, chính sách giao đất dịch vụ đã cơ bản được giải quyết, nhưng công tác giao đất dịch vụ vẫn chậm.
Kết quả thực hiện đến ngày 20-2-2017, quỹ đất đã tổ chức giao đất dịch vụ chỉ đạt 42,383% (đã giao 218,476ha, với 32.454 hộ). Một số quận, huyện thực hiện tốt công tác giao đất dịch vụ như: Đan Phượng giao được 2.759/3.345 hộ (đạt 82,45%); huyện Thường Tín giao được 1.459/1.844 hộ (đạt 79,12%); quận Hà Đông giao được 16.041/27.139 hộ (đạt 59,11%).
Tuy nhiên, một số huyện đã có quỹ đất hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhưng kết quả giao đất dịch vụ cho người dân rất thấp, hoặc chưa tổ chức giao đất dịch vụ là Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Mê Linh, Ứng Hòa...
Nói về những khó khăn trong công tác này, đại diện một số quận lý giải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giao đất dịch vụ cho dân là một số hộ dân chưa nộp tiền suất đầu tư hạ tầng; một số hộ đã được ấn định ghép lô, nhưng chưa làm hồ sơ để xét duyệt; một số hộ có đơn thư không thống nhất ghép đối tượng lập hồ sơ.
Ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận Hà Đông nêu rõ, mặc dù quận đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đất dịch vụ, nhưng tỷ lệ giao đất dịch vụ toàn quận còn thấp do có một số vướng mắc như số trường hợp chưa làm hồ sơ xét duyệt tiêu chuẩn (khoảng 2.000 trường hợp), ghép lô lớn (khoảng 1.500 trường hợp). Thêm vào đó là tiến độ nộp tiền đầu tư hạ tầng đất dịch vụ chậm. Tại quận có khoảng 6.000 trường hợp đã xét duyệt đủ điều kiện, đã bốc thăm vị trí lô, nhưng chưa nộp tiền.
Tại cuộc giao ban trực tuyến với các quận, huyện diễn ra ngày 23-2 về công tác này và để hoàn thành việc giao đất dịch vụ cho các hộ dân đủ điều kiện được giao đất dịch vụ trong năm 2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương giao đất dịch vụ, báo cáo kết quả từng tuần, từng công việc cụ thể; đồng thời có sự chỉ đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể về thực hiện nhiệm vụ giao đất dịch vụ.
Đối với 181,979ha đất hoàn thành xong hạ tầng kỹ thuật, căn cứ đối tượng hưởng quỹ đất dịch vụ đã được xét duyệt (27.322 hộ), đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức giao ngay đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định.
Đối với 153,524ha đất đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhưng chưa có kinh phí để xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 107,814ha đất đã có quyết định thu hồi đất, nhưng chưa bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đề nghị UBND cấp huyện thực hiện theo chỉ đạo tại Văn bản số 1405/UBND-TNMT (ngày 4-3-2014) của UBND thành phố: Tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của người dân cùng ứng kinh phí với ngân sách (mức tạm thu) để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao đất dịch vụ cho các hộ dân; báo cáo UBND thành phố để được phê duyệt kinh phí theo quy định và tổ chức triển khai công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hình thức cuốn chiếu, thực hiện dứt điểm đối với từng dự án cụ thể; hoặc đề nghị vay từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố.
Thành phố cũng yêu cầu loại khỏi danh mục dự án được giao đất dịch vụ đối với các dự án mà thời điểm quyết định thu hồi đất thuộc đối tượng phải giao đất dịch vụ cho người dân nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng...
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới