Với những công nhân, lao động nhập cư tại các đô thị, tiền lương ít ỏi của họ chỉ có thể ở trọ trong những căn phòng chật chội, nóng nực
Hiện nay trên địa bàn TPHCM có hàng trăm ngàn công nhân, lao động từ các địa phương khác đến tìm kiếm cơ hội việc làm. Hàng loạt nhà trọ dành cho công nhân ra đời để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho công nhân, lao động nhập cư.
Một dãy nhà trọ tồi tàn ở phường An Lạc, quận Bình Tân
|
Tiền nào... nhà đó
Chúng tôi đến khu nhà trọ dành cho công nhân trên đường Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Bà chủ nhà giới thiệu một phòng nằm cuối dãy, khoảng 7-8 m², xung quanh làm bằng ván ép, lợp bằng tôn nóng hầm hập, phía trên có một gác nhỏ bằng ván ép. Thấy chúng tôi có vẻ lưỡng lự, bà chủ nhà nói: “Các chú yên tâm đi, khu vực này an ninh lắm, điện nước dùng thoải mái, nước máy đàng hoàng đó. Thấy các chú là công nhân tôi tính giá rẻ thôi, phòng này 700.000 đồng/tháng, điện nước tính riêng...”.
Cách đó vài con hẻm là một khu nhà trọ khác. Nơi đây có hai dãy phòng trọ nằm đối diện nhau, ở giữa có một lối đi rộng chừng hơn 1 m, dài 20 m và cũng là lối thoát hiểm duy nhất. Mỗi dãy được ngăn thành 8 phòng và 1 phòng vệ sinh, mỗi phòng từ 3-4 người ở chung. Nước tính theo đầu người 30.000 đồng/tháng, điện 3.000 đồng/KWh.
Tại khu nhà trọ 82A, đường Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) dãy nhà trọ nằm sát con kênh đen ngòm, bốc mùi khó chịu. Toàn dãy nhà trọ làm bằng ván ép rất sơ sài, nhếch nhác và đang trong tình trạng xuống cấp. Nếu muốn tìm phòng trọ dành cho công nhân có giá chừng 300.000-500.000 đồng/tháng, ở được 3-5 người (mỗi người chỉ tốn 100.000-150.000 đồng/tháng) cũng không khó, nhưng nhà thật sự chẳng gọi là nhà mà chòi thì cũng không phải.
Chị Nguyễn Thị Kim Hân, công nhân Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân, cho biết: Ở đây phải dùng nước giếng nhưng lấy giá 10.000 đồng/m3, điện 3.000 đồng/KWh. Chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân một xí nghiệp giày da ở huyện Bình Chánh, than phiền: “Nhiều hôm phải chờ đến gần 21 giờ mới được tắm, đó là chưa kể vào những ngày nước bị cúp, vậy là chờ đến sáng hôm sau dậy thật sớm để tắm rửa”.
Anh Hoàng Thuận, công nhân Công ty Kwang Sung, ở huyện Hóc Môn, tâm sự: “Lương tháng của tôi chỉ có 1,4 triệu đồng, nếu muốn ở nhà trọ thoải mái thì phải bỏ ra 300.000 đồng/người. Vì vậy đành phải ở những nơi tuềnh toàng đủ để ngả lưng là được rồi”.
Xung quanh các khu công nghiệp Tân Tạo, Tân Bình, Linh Trung, nhà trọ công nhân có phần khang trang hơn nhưng cũng chỉ là những dãy nhà trọ mái lợp tôn nóng hầm hập, luôn lo sợ các tệ nạn xã hội.
Chủ nhà cũng than
Theo quy định của Nhà nước mức giá nước được điều chỉnh mới từ ngày 1-3-2010, theo đó giá nước kinh doanh là 12.000 đồng/m3. Như vậy các chủ nhà trọ được tính giá nước theo giá kinh doanh. Ông Văn Đức, một chủ nhà trọ trên đường Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân), cho biết ông thu tiền điện là 2.500 đồng/KWh, còn nếu dùng vượt quá 30 KWh/tháng sẽ thu 3.000 đồng/KWh. Nước thì dùng nước giếng, với giá 10.000 đồng/m3, không thể dùng nước máy vì giá cao, công nhân chịu không nổi.
Bà Nguyễn Thanh Xuân, chủ nhà trọ ấp Tiền Lân (xã Bà Điểm, Hóc Môn) có hơn 10 phòng trọ, than thở: “Có nhà trọ cho thuê không phải hằng tháng chỉ biết đến ngày thu tiền. Biết là công nhân lương thấp, nên chủ nhà không lấy tiền đặt cọc thế chân. Do không có ràng buộc bằng tiền đặt cọc nên nhiều lần chúng tôi phải khốn đốn vì đến ngày thu tiền trọ thì họ vội vàng dọn đi đâu mất, không thu được tiền...”.
Tiêu chuẩn phòng trọ công nhân
Ngày 17-5-2006, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 75/2006/QĐ-UBND về quy chế quản lý nhà cho công nhân, người lao động thuê ở. Theo quy định về diện tích, phòng trọ phải bảo đảm bình quân đầu người là 3 m²/người, không tính nhà vệ sinh và phần sinh hoạt chung. Diện tích sử dụng, không tính tường và gác lửng, của một phòng ít nhất là 9 m² (nếu không có nhà vệ sinh trong phòng) và không dưới 12 m² (nếu có nhà vệ sinh trong phòng). Chiều rộng phòng ít nhất 2,4 m, chiều cao từ 2,8 m trở lên. Khu vực nhà cho thuê phải có chỗ nấu ăn, chỗ giặt và phơi quần áo cho công nhân ngoài phạm vi phòng ở. Khu nhà trọ phải có bể nước cứu hỏa, bình chữa cháy và các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định. Về kết cấu và vật liệu xây dựng, căn nhà cho công nhân và người lao động thuê để ở phải có tường bao che và tường ngăn các phòng xây bằng gạch, không được làm bằng vách đất, tre nứa hoặc vật liệu dễ mục, dễ cháy...
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động