Gian nan đời thợ xây

Cập nhật 22/09/2012 08:40

Vất vả, hiểm nguy nhưng vì mưu sinh, những người thợ xây vẫn miệt mài bám trụ ở các công trình Mặt mày lấm lem vì bụi đất đá, xi măng và làm việc trong môi trường ồn ào bởi tiếng máy khoan, máy trộn bê tông… vậy mà những công nhân ở các công trình xây dựng trên tuyến đường Trần Hưng Đạo (quận 1 - TPHCM) vẫn không lúc nào ngơi nghỉ.

Lau mồ hôi đang chảy ròng ròng trên mặt, anh Trần Văn Huy (quê Long An) cho biết: “Thợ xây rất cực nhọc và ảnh hưởng sức khỏe vì thường xuyên hít phải bụi xi măng, đất đá… nhưng “vốn liếng” của tôi chỉ có thế, chẳng biết làm gì khác ngoài cái nghề này”.

Khổ trăm bề


“Mỗi ngày, phải bưng bê gạch, đá, hồ lên xuống cầu thang vài trăm lần, mệt đứt hơi mà lương thợ phụ chỉ được 120.000 đồng/ngày, nếu tăng ca thì cộng thêm 20.000 đồng/giờ” - anh Nguyễn Văn Hoàng, thợ phụ công trình xây dựng một trung tâm thương mại ở quận 1 - TPHCM, bộc bạch. Cực nhọc vì công việc đã đành, cuộc sống của người thợ xây dựng lại nay đây mai đó, thiếu thốn trăm bề. Chỗ ở chính chỉ là những cái chòi được che chắn tạm bợ, có nơi còn không có nước sạch để tắm rửa, nhà vệ sinh sát bên chỗ ăn ở.

Công nhân xây dựng tại công trình trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 - TPHCM

Rủi ro, tai họa rình rập cũng là điều mà những người thợ xây phải đối mặt. Hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề xây dựng, thợ cốp-pha Phạm Ngọc Giàu cho rằng trong quá trình thi công một công trình, thường thì thợ cốp-pha và thợ sơn phải chịu áp lực rủi ro cao nhất vì phải leo trèo, treo mình lơ lửng trên những tòa nhà cao tầng.

“Biết tính chất công việc là thế nhưng tôi là trụ cột chính trong gia đình phải lo toan mọi việc, nên đành chấp nhận bám nghề. Hơn nữa, theo nghề lâu năm, phần nào chúng tôi tự rút kinh nghiệm và tính xác suất nguy hiểm ở mức tối thiểu để không chỉ an toàn cho tôi mà còn các thợ xây khác” - anh Giàu nói.

Sướng khổ có nhau

Với nghề xây dựng, ngoài cánh đàn ông quanh năm đời sống “du mục”, chúng tôi còn bắt gặp bóng dáng các chị em phụ nữ cũng làm thợ. Họ không phải thợ xây mà chỉ là thợ phụ, làm các công việc lặt vặt hoặc chỉ theo lo nấu cơm nước cho công nhân của cả công trình. Hầu hết họ đều là vợ của những người thợ chính.

Chị Khanh, vợ một thợ xây, cho biết: “Vợ chồng tôi gắn bó với nghề này gần chục năm trời, làm không biết bao nhiêu công trình. Tôi chỉ làm các việc phụ cho thợ chính như khuân hồ, vác gạch, cát... tới bữa thì nấu cơm. Lương vợ chồng gần 300.000 đồng/ngày, đủ trang trải cho con cái ăn học. Mấy năm nay, vợ chồng tôi cũng ráng “cày” để dựng lại ngôi nhà ở quê cho đàng hoàng”.

Tại một công trình xây dựng nhà ở khu dân cư Tân Quy Đông (quận 7 - TPHCM), những người thợ ở đây còn dẫn theo cả con nhỏ đến sống tại công trình cho tiện chăm sóc. Những túp lều, nhà vệ sinh dựng tạm là chỗ sinh hoạt chính cho mười mấy công nhân. Chị Mai Thị Lan cho biết: “Từ 7 giờ 30 phút, công trình đã bắt đầu làm việc.

Nếu tăng ca buổi tối, tiền mỗi giờ tăng ca bằng gấp rưỡi số tiền lương của giờ làm ban ngày. Đặc biệt, vào 2 ngày cuối tuần thì tiền lương gấp đôi so với ngày thường. Cả tháng vợ chồng tích góp cũng được 5-6 triệu đồng. Tôi đi theo ảnh để vừa có việc làm kiếm thêm thu nhập mà vợ chồng cũng được ở gần nhau”.

Không riêng chị Lan, chị Khanh quê ở tận Bình Định cũng theo chồng vào TPHCM làm thợ xây. Chị tâm sự: “Mỗi năm vợ chồng tôi về quê được 2 - 3 lần. Sợ con thiếu thốn tình cảm nên hễ đến mấy tháng nghỉ hè là chúng tôi lại dắt con đi theo công trình, sướng khổ có nhau cũng vui”.

Kỹ sư xây dựng Nguyễn Danh Thủ, Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn (quận Tân Bình - TPHCM), cho rằng: “Tuy vất vả, tai nạn luôn rình rập nhưng nghề thợ xây đã góp phần giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động phổ thông ở ngoại thành. Với mức lương của thợ chính từ 220.000 - 240.000 đồng/ngày, đủ để các công nhân xây dựng trang trải cuộc sống gia đình”.



DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ