Giãn dân phố cổ: bài toán còn nan giải

Cập nhật 25/07/2011 08:25

Dự án giãn dân tại các khu phố cổ ở TP.Hà Nội vừa được cơ quan chức năng đưa ra nhằm giảm áp lực về hạ tầng cho khu vực vốn ngày càng quá tải.

Dự án được đưa ra trong thời điểm nhiều khu phố cổ trong cả nước đang xuống cấp trầm trọng.


Nhiều căn nhà mới mọc lên xen lẫn dãy nhà cổ trên đại lộ đông - tây, TP.HCM - Ảnh: T.Tâm

Tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ đồng


Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 86.000 dân đang sống tại các khu phố cổ Hà Nội. Để giảm áp lực về hạ tầng nơi đây, có thể phải di chuyển đến 40% ra khỏi khu vực này. Trong đó giai đoạn 1 dự kiến di dời 1.800 hộ (với 7.200 dân) tại 10 khu phố và công việc này bắt đầu tư cuối năm 2013.

Trước mắt là dời các hộ dân sống trong các khu di tích lịch sử, trường học, công sở và nhà có đông hộ dân. Những hộ này sẽ di dời đến các khu đô thị mới. Ước tính, kinh phí giãn dân chỉ riêng giai đoạn 1 lên đến 4.000 tỷ đồng. Như vậy bình quân mỗi hộ di dời cần khoảng 2,2 tỷ đồng.

Và nếu lấy con số trên để tính cho việc di dời 40% dân đang sống trong các khu phố cổ (khoảng 34.000 hộ dân) thì sẽ thấy nhà nước phải bỏ ra khoản kinh phí khổng lồ, lên đến hơn 76.000 tỷ đồng(!).

Tuy nhiên thông tin từ cơ quan chức năng của Hà Nội mà báo chí thông tin cho thấy, chi phí trên dường như chưa bao gồm chi phí tái định cư cho các hộ dân di dời. Bằng chứng là các hộ dân di dời phải trả tiền mua nhà khi tái định cư nơi mới theo phương thức trả góp. Những trường hợp bị giải phóng mặt bằng nhà nước mới hỗ trợ di chuyển.

Như vậy vẫn chưa rõ chi phí khổng lồ trên được sử dụng cho những công việc gì.

Chậm hơn không

Đến thời điểm này có thể nói việc bàn di dời dân tại các khu phố cổ của Hà Nội đã quá chậm khi hàng loạt khu phổ đã xuống cấp nặng. Nhưng chậm còn hơn không.

Thực tế so với nhiều địa phương khác trong cả nước, các tuyến phố cổ tại Hà Nội còn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Trong khi đó nhiều phố cổ vốn có trước đây tại TP.HCM không còn nhiều. Nhiều dự án đô thị, các tuyến đường mới đã xuyên qua các khu phố cổ, làm nhiều căn nhà cổ biến dạng so với ban đầu thậm chí biến mất, khó tìm lại được.

Điển hình là tuyến Trần Văn Kiểu, Bến Dương Chương… nhiều nhà cổ cả trăm năm tuổi đã bị giải tỏa để làm dự án đại lộ Đông - Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt). Một số tuyến phố cổ khác như Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục… cũng đang dần mai một, nhà cổ bị cơi nới, xây chen với đủ loại công năng sử dụng khác nhau, không còn nguyên trạng ban đầu.

Đã có nhiều dự án nghiên cứu về nhà cổ, phố cổ tại TP.HCM nhưng nhiều dự án sau khi hoàn thành, tiêu tốn bao nhiêu công sức tiền bạc vẫn nằm nguyên trên giấy hoặc cất trong hộc tủ, không có kế hoạch triển khai trên thực tế. Chưa kể nhiều đề án không làm đến nơi đến chốn, mọi việc trước sau lại đâu vào đấy…

Mới đây có thông tin một đoàn nghiên cứu của nước ngoài đang có đề án tìm hiểu về một số khu phố cổ của quận 5. Hy vọng lần này đề án sẽ được triển khai trên thực tế, để các công trình cần bảo tồn phải được bảo tồn như đúng giá trị của nó.

Trần Tâm - DiaOcOnline.vn