Giảm xây dựng không phép nhờ cải cách thủ tục hành chính

Cập nhật 07/01/2009 09:15

Trong những năm qua, quận Cầu Giấy đã quan tâm đến công tác cải cách hành chính, kịp thời phổ biến các chính sách mới, các văn bản về quản lý đô thị, hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm từng bước thiết lập kỷ cương trong quản lý đô thị. Thường xuyên bồi dường nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ tác nghiệp… 

Nhờ đó, năm 2008, quận cấp được 1.106 giấy phép xây dựng, nâng tỷ lệ kiểm soát công trình xây dựng tăng lên 92%. Trong đó, nhà ở riêng lẻ là 1.046 giấy và phường Yên Hòa có số lượng công trình xây dựng được cấp phép nhiều nhất, với trên 200 giấy được cấp trong năm vừa qua.

Tỷ lệ kiểm soát công trình xây dựng tăng lên 92%

Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận cho biết, định kỳ ba tháng một lần lãnh đạo UBND quận giao ban với bộ phận một cửa, Phòng Quản lý đô thị để kiểm tra rà soát thủ tục, quy trình cấp phép xây dựng. Tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ có lắp đặt camera, đường dây nóng, hòm thư góp ý để quận nắm bắt được ý kiến cũng như phản ánh của người dân. Trong quá trình cấp phép xây dựng, quận căn cứ vào quy hoạch chi tiết được duyệt, làm cơ sở để giải quyết thụ lý hồ sơ. Những trường hợp nằm trong khu vực quy hoạch về giao thông hoặc sử dụng đất nhưng chưa có dự án triển khai thực hiện đều được hướng dẫn cấp phép xây dựng tạm theo quy định. Mọi thủ tục đều được niêm yết công khai, đầy đủ tại nơi thụ lý hồ sơ… Do đó, thời gian cấp phép xây dựng nhanh.

Theo quy định tại QĐ số 79/2007/QĐ-UBND TP, thời gian giải quyết cấp giấy phép xây dựng công trình không quá 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nhưng Phòng Quản lý đô thị thường thụ lý hồ sơ là 10 ngày và đảm bảo đúng quy định.

Những vướng mắc cần được làm rõ


Mặc dù đã có được những kết quả khả quan, đáng khích lệ, song trong quá trình cấp phép xây dựng vẫn xảy ra trường hợp thắc mắc, khiếu kiện do một số quy định chưa được làm rõ. Chẳng hạn, các tuyến đường có quy hoạch chỉnh trang tuyến phố, nhu cầu xây dựng ở đây rất cần thiết, nhưng chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể nên việc cấp phép xây dựng còn gặp khó khăn. Tại các khu nhà tập thể như khu văn công Mai Dịch, văn công Cầu Giấy… hiện vẫn chưa thực hiện theo NĐ 61/CP nên khi người dân có nhu cầu sửa chữa, xây dựng thì ban quản lý các khu tập thể này không quan tâm. Người dân tự đi xin phép xây dựng thì không đủ điều kiện, vì đất vẫn mang tên tập thể, dẫn đến nhiều bất cập.

Việc cấp giấy phép xây dựng đối với những trường hợp đất còn lại sau GPMB còn vướng mắc do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường không đúng với thực tế đất còn lại, biên bản điều tra GPMB không ghi kích thước phần đất còn lại nên không có căn cứ để cấp phép xây dựng. Và những trường hợp xây dựng nhà ở kết hợp dịch vụ cao tầng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên không có cơ sở để giải quyết…

Đó là những vướng mắc thực tế đang diễn ra trên địa bàn quận Cầu Giấy. Còn những vướng mắc nội tại, nằm trong các quy định của văn bản pháp luật cũng cần được giải quyết. Chẳng hạn, trong QĐ số 79 của UBND TP quy định, những lô đất có diện tích nhỏ hơn 15 m2, chiều dài hoặc chiều rộng nhỏ hơn 3,0 m thì không được cấp phép xây dựng. Nhưng trong Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QĐ 04) quy định đối với nhà ở liền kế cải tạo phải có diện tích đất tối thiểu là 25 m2, với chiều dài và chiều rộng không nhỏ hơn 2,5m. Hoặc QĐ 79 chỉ quy định đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép xây dựng khi có hành vi vi phạm.

Còn trường hợp phát sinh tranh chấp, khiếu kiện sau khi đã có giấy phép xây dựng và khởi công xây dựng công trình, UBND quận ra QĐ tạm đình chỉ thi công để các cơ quan chức năng giải quyết tranh chấp khiếu kiện, nhưng không có quy định về thời hạn đình chỉ dẫn đến phản ứng của nhiều chủ công trình xây dựng…

Có lẽ những vướng mắc trên không chỉ riêng quận Cầu Giấy gặp phải mà nhiều quận, huyện khác cũng vậy. Do đó, rất cần UBND TP, các sở, ban, ngành chức năng sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, để đưa công tác quản lý đô thị trên toàn địa bàn thành phố vào nền nếp.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị