Giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng

Cập nhật 11/03/2016 08:58

 Doanh nghiệp bất động sản cần phải chủ động nguồn vốn thay vì quá phụ thuộc vào vốn vay để không phải lo sợ “bong bóng” trở lại như những năm trước

Dự thảo Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước dù chưa chính thức ban hành nhưng với tín hiệu ban đầu cho thấy có khả năng sẽ hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản lo lắng bởi từ trước đến nay, hoạt động kinh doanh này chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng mua nhà.

Chết vì tín dụng bất động sản

Còn nhớ những năm 2010-2011, nhiều doanh nghiệp bất động sản dù lớn mạnh hay vừa mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường vẫn bị “hụt hơi” khi Chính phủ siết tín dụng để kiềm chế lạm phát khiến nguồn vốn ngân hàng chảy vào bất động sản bị ngưng trệ. Nhiều doanh nghiệp bất động sản chết đã để lại hậu quả đớn đau cho nền kinh tế, nợ xấu hàng trăm ngàn tỉ đồng, hàng loạt dự án đình đốn hoặc không thể triển khai được, người mua nhà khốn đốn vì chủ đầu tư không giao nhà…

Những dự án của Công ty Vạn Hưng Phát, Công ty Gia Phú, Công ty CP Địa ốc Bình Tân… vẫn đang làm cho nhiều khách hàng đứng ngồi không yên. Ngay cả những doanh nghiệp khá mạnh như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai cũng đã bị “vùi dập” vì nợ, vì lãi vay. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp khác ổn định, không bị áp lực vốn vay thì lại vượt lên với các thương hiệu mạnh như hiện nay gồm: Novaland, Hưng Thịnh, Nam Long, Thuduc House…

Chủ động được nguồn vốn giúp doanh nghiệp bất động sản giảm rủi ro do phụ thuộc vào vốn vay

Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt trước đây từng vướng những khoản nợ lên tới vài ngàn tỉ đồng, do đó để có vốn, mới đây công ty đã liên kết cùng Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia và Creed Group, một quỹ đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, để thực hiện tiếp dự án Everich 2 (hiện đã đổi tên thành River City) tại quận 7, TP HCM. Với tiềm lực tài chính mạnh của Creed Group, cộng với kinh nghiệm phát triển dự án tốt như An Gia, 3 bên đang kỳ vọng dự án 8.000 căn hộ và tổng vốn đầu tư 500 triệu USD này sẽ nhanh chóng thu hút khách.

Trong khi đó, đại diện Công ty Hưng Lộc Phát, chủ đầu tư dự án Hưng Phát 1 và 2 tại huyện Nhà Bè, cho biết do ngay từ những năm thị trường bất động sản èo uột, công ty đã khẳng định tiềm lực tài chính mạnh, không phụ thuộc nhiều vào ngân hàng nên vẫn triển khai và hoàn thành đúng tiến độ cho khách hàng.

“Chậm mà chắc, không đầu tư dàn trải. Làm dự án nào, tập trung mọi khả năng về tài chính, con người để chăm chút cho dự án đó nhằm gây dựng niềm tin của khách hàng. Đây là lý do các dự án của Hưng Lộc Phát đều được khách hàng đón nhận tốt, nhờ đó chúng tôi có được nguồn vốn để thực hiện tiếp dự án The Gold Star” - ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Hưng Lộc Phát, khẳng định.

Phải dựa vào vốn tự có

TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng các doanh nghiệp bất động sản trước đây đã sử dụng nợ vay quá mức nên khi tín dụng siết chặt dẫn đến tình trạng ngưng trệ, thiếu vốn, dự án đình đốn. Trong khi các doanh nghiệp có nguồn vốn vay ít, tài chính mạnh lại xem đó là cơ hội để phát triển. Kinh nghiệm cho thấy các doanh nghiệp có tiềm lực, tập trung thực hiện dự án, không dàn trải sẽ hạn chế được rủi ro và phát triển ổn định.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cũng cho rằng chính những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính ổn định đã tạo lực tốt cho thị trường bất động sản. Thực tế, vốn trung và dài hạn rất quan trọng với thị trường bất động sản nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có. Chính vì vậy họ dựa vào 3 nguồn vốn chính là từ nguồn lực tự có, từ ngân hàng và huy động của khách hàng mua nhà.

Trong khi đó, vốn từ ngân hàng thì hay “phập phù” theo chính sách. Vốn từ khách hàng là nguồn chính nhưng vốn này cũng phụ thuộc vào ngân hàng do phần lớn khách hàng mua nhà từ vốn vay. Điều này cho thấy Việt Nam rất cần những nguồn vốn trung và dài hạn khác để thị trường bất động sản phát triển bền vững nếu doanh nghiệp không đủ nguồn lực.

Cũng theo ông Châu, thời gian qua, một số doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc những doanh nghiệp chưa niêm yết nhưng có uy tín và mạnh trên thị trường bất động sản đã thực hiện việc huy động vốn từ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

Điển hình như Tập đoàn FLC, Khang Điền, Nam Long, Thuduc House, Novaland… đã thu hút vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Những doanh nghiệp thực hiện được điều này phải có tiềm năng mới thu hút được nhà đầu tư tham gia. Trong khi đó, các quỹ ngoại lớn thì tiềm lực cũng có giới hạn nên họ đầu tư có chọn lọc.

Không siết tín dụng bất động sản

Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Trọng Du, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 không phải siết van bất động sản. Ông Du cho biết đến cuối năm 2015, tỉ lệ an toàn vốn bình quân của các tổ chức tín dụng khoảng 13%, việc điều chỉnh của dự thảo Thông tư 36 từ 150% lên 250% thì tỉ lệ bình quân còn khoảng 12%, cao hơn mức 9% theo quy định của Thông tư 36 do đó không ảnh hưởng nhiều và trực tiếp đối với việc cấp tín dụng nói chung, trong đó có bất động sản. Cũng theo ông Du, quy định này chỉ áp dụng đối với các khoản phải đòi đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để sinh lời, không áp dụng đối với hoạt động cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng, sửa chữa, cải tạo bất động sản và không ảnh hưởng đến người vay mua nhà tiêu dùng.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ