Giảm hệ số K: Dân phấn khởi

Cập nhật 18/05/2013 07:33

Nhiều quận, huyện đánh giá hệ số K mới phù hợp với thực tế của địa phương.

Thông tin Ban Thường vụ Thành ủy thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về việc giảm hệ số K xuống chỉ còn 1,1-2 đã khiến nhiều người dân vui mừng. Các địa phương cũng hy vọng sẽ giải quyết được nhiều hồ sơ ách tắc bấy lâu do tiền sử dụng đất quá cao.

Người dân hồ hởi

Ông Nguyễn Văn Kiêm Răng, ngụ 667 Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8, rất hồ hởi khi hay tin hệ số K tại quận 8 giảm xuống còn bằng 2 (theo Quyết định 28/2012 của UBND TP, hệ số K tại quận này bằng 4 - PV). Trước đây, ông không khỏi choáng váng khi được Chi cục Thuế quận 8 thông báo phải đóng tiền sử dụng đất gần 2 tỉ đồng cho việc chuyển mục đích sử dụng phần diện tích đất ngoài hạn mức (áp dụng Quyết định 28). Vì không đóng nổi nên gia đình đành chọn cách ghi nợ.

“Dù chưa tính được cụ thể số tiền phải đóng giảm đi bao nhiêu nhưng chắc chắn sẽ không quá lớn như ban đầu. Khi có quyết định chính thức, gia đình tôi sẽ cố gắng đóng tiền sử dụng đất luôn thay vì tiếp tục ghi nợ” - ông Răng vui mừng nói.

Việc giảm hệ số K sẽ khiến người dân mạnh dạn chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở. Ảnh: HTD

Gia đình bà Tô Thị Sáu (nhân vật trong bài báo ngày 17-5) cũng hồ hởi không kém. “Thật ra đằng nào tôi cũng phải ghi nợ tiền sử dụng đất vì không thể kiếm đủ tiền để nộp (chồng bà bị liệt nằm một chỗ nhiều năm, 10 người con đã lập gia đình nhưng đều nghèo rớt mồng tơi - PV). Nhưng nhờ giảm tiền sử dụng đất mà gia đình tôi giảm được một khoản nợ đáng kể” - bà Sáu cho biết.

Phù hợp thực tế địa phương

Lãnh đạo các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè tỏ ra phấn khởi khi hệ số K của địa phương chỉ còn 1,3 (trước đây là 3,5). Theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, việc xin công nhận và chuyển mục đích sử dụng đất của người dân trong huyện lâu nay bị “kẹt” ở chỗ hệ số K cao quá, dân không có tiền đóng.

Ông Trường dẫn chứng: Có những khu vực giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường khoảng 7 triệu đồng/m2 trong khi người dân xin chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở phải đóng tiền sử dụng đất tới 7,7 triệu đồng/m2. “Nhiều trường hợp chịu không nổi nên xin trả lại hiện trạng là đất nông nghiệp như cũ, không muốn chuyển sang đất ở nữa dù nhu cầu về nhà ở rất cao” - ông Trường cho biết.

Hiện huyện Bình Chánh còn hơn 200 hồ sơ người dân ghi nợ tiền sử dụng đất. Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thông tin: Do hệ số K quá cao nên nhiều người dân sau khi nhận thông báo đóng tiền đã làm đơn xin để nguyên hiện trạng đất nông nghiệp hoặc xin điều chỉnh phần diện tích chuyển mục đích sử dụng cho bằng với phần trong hạn mức đất ở.

“Huyện chưa thể trả lời liệu có thể giải quyết nhanh hơn các hồ sơ bị ách tắc lâu nay vì còn phụ thuộc vào nhu cầu của người dân. Hy vọng việc giảm hệ số K sẽ khiến người dân mạnh dạn chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở. Nhờ đó hiệu quả khai thác, sử dụng đất của huyện sẽ tốt hơn” - ông Nhật nói.

Tương tự, huyện Hóc Môn còn 342 hồ sơ ghi nợ tiền sử dụng đất, trong đó có tới 96 hồ sơ nợ tiền sử dụng đất trong hạn mức. Cạnh đó cũng có tới 116 trường hợp đã ra giấy chứng nhận nhưng người dân không chịu nhận mà xin lại giấy tờ cũ. “Bấy lâu huyện vẫn linh động giải quyết trả lại giấy tờ cho người dân dù công việc này rất mất thời gian. Nay khi tiền sử dụng đất đã giảm đáng kể, tôi tin nhiều người sẽ đóng tiền để nhận giấy chứng nhận mới” - một lãnh đạo huyện bày tỏ.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP