Giảm giá nhà ở - xu hướng không thể khác

Cập nhật 30/09/2013 14:51

 Thông tin hai doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) lớn ở TP. Hồ Chí Minh là Novaland và Phát Đạt giảm giá đến 50% căn hộ cao cấp ở hai dự án Sunrise City và Everrich3 đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.


Tuy nhiên, việc giảm giá này vẫn chưa giúp tăng thêm số lượng giao dịch BĐS thành công.

Thị trường BĐS vẫn trầm lắng trước việc nhiều dự án giảm giá mạnh cũng bởi các căn hộ được giảm giá sâu đều đến tận 9/2015 mới được bàn giao. Các căn hộ cao cấp giao ngay hiện vẫn ở mức giá 50 triệu đồng/m2. Ngoài ra, trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ có một số dự án được công bố giảm khoảng gần 10 triệu/m2, tương đương mức giảm 20 - 25% mức giá ban đầu. Thậm chí, tại các dự án đã công bố giảm giá thì cũng chỉ giảm với khoảng 15% tổng số căn hộ. Như vậy, thị trường BĐS nước ta chưa sôi động hơn cũng bởi xu hướng giảm giá mạnh chỉ mang tính cục bộ, và quan trọng là không diễn ra trên địa bàn có nhu cầu giao dịch lớn nhất trong cả nước (TP. Hà Nội).

Lý giải nguyên nhân của việc giá nhà ở chưa giảm mạnh tại TP. Hà Nội, nguyên Cục trưởng Cục Nhà ở và BĐS, Bộ Xây dựng Trịnh Huy Thục cho là do phương thức phát triển thị trường tại đây khác hẳn so với TP. Hồ Chí Minh, cũng như một số địa phương khác. Giá nhà ở tại TP. Hà Nội khó giảm vì chủ đầu tư chỉ là chủ hờ, còn thực tế căn hộ đã được sang tay qua nhiều người từ khi phê duyệt dự án đến khi khởi công xây dựng. Vì vậy, chủ đầu tư không có quyền quyết định giảm giá bán. Ngoài ra, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, DN BĐS tại Hà Nội xây dựng công trình bằng tiền của người góp vốn mua nhà nên không chịu sức ép lãi suất cho vay cao như DN tại TP. Hồ Chí Minh. Vì thế, DN phía Bắc vẫn ung dung dù lượng căn hộ tồn kho cao, giao dịch giảm mạnh.

Đây chính là nguyên nhân khiến những người mua nhà ở Hà Nội thiệt thòi hơn rất nhiều so với người mua nhà ở TP. Hồ Chí Minh. Thực tế, nhiều nhà đầu tư thứ cấp tại Hà Nội đang rơi vào cảnh không đòi không được vốn đã bỏ ra, mà mua tiếp cũng không xong.  Luật sư Vũ Mạnh Hùng - Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự cho biết, trước đây, các căn hộ chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội đều khó mua nên thường thì nhà đầu tư thứ cấp chỉ cần nộp được tiền mua là vội ký vào các hóa đơn, chứng từ, không xem xét lại hợp đồng. Các hợp đồng này không chặt chẽ nên nhà đầu tư thứ cấp giờ rất khó đòi lại vốn góp. Hơn nữa, nhiều DN đang khó bán căn hộ, nguồn vốn bị tồn đọng nên có muốn trả cho người góp vốn cũng không được.

Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc đua giảm giá BĐS thực chất mới chỉ bắt đầu. Bởi lẽ, ngay cả giảm ở mức 50% giá công bố ban đầu thì cũng mới chạm đến giá trị thực của căn hộ, thậm chí là DN vẫn có thể có lãi như tuyên bố của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trước đây. Tất nhiên, sẽ không DN nào giảm giá những căn hộ đã hoàn thiện vì còn vướng hợp đồng đã ký với các khách hàng đã mua, nên chỉ có thể giảm giá ở những căn hộ sẽ giao sau 1 - 2 năm nữa. Song các diễn biến tại thị trường BĐS Hà Nội đang khiến nhiều người băn khoăn không biết ai sẽ tiếp cận được với những BĐS giảm giá này? Do đó, rất cần có cơ chế thông tin minh bạch và kiểm soát thận trọng thông tin để giúp người mua nhà tiếp cận được BĐS giảm giá, cũng như tránh phải mua với mức giá chênh lệch cao lên tới 200 - 300 triệu đồng/căn như thời gian vừa qua.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại biểu nhân dân