Giảm giá nhà đất không dễ

Cập nhật 02/02/2015 11:13

Cầu cải thiện nhưng cung đang tăng nhanh chóng, thị trường BĐS thực tế vẫn đứng trước áp lực giảm giá. Tuy nhiên, những “trả giá” suốt giai đoạn vừa qua là một rào cản cho chủ đầu tư thoát hàng.

Lượng cầu tăng và giao dịch nhà đất thành công đang ngày càng lớn. Dù vậy, ít thời điểm nào người mua từng có được các lựa chọn hấp dẫn như hiện nay. Giá hợp lý, thuận tiện giao thông với nhiều sản phẩm ở các khu vực khác nhau khiến người mua rất dễ bị thuyết phục để xuống tiền.

Ảnh minh họa

Nằm ngay góc đường cao tốc Long Thành - Dầu Dây, 57 căn biệt thự liên kế được Khang Điền chào bán với giá chỉ 15,7 triệu đồng/m2. Trước đó CBRE cũng công bố loạt sản phẩm chào bán ở các quận 2, 9 và Bình Thạnh nhờ vào cơ sở hạ tầng cải thiện nhanh trong thời gian qua. Hay tại những dự án gần sân bay Tân Sơn Nhất, các nhà phát triển Novaland, Hưng Thịnh Corp cũng đang thu hút bằng hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp với trung tâm thành phố.

Cầu cải thiện nhưng cung đang tăng nhanh chóng, thị trường BĐS thực tế vẫn đứng trước áp lực giảm giá. Tuy nhiên, những “trả giá” suốt giai đoạn vừa qua là một rào cản cho chủ đầu tư thoát hàng. Giám đốc một DN trong lĩnh vực BĐS cho rằng, giảm giá căn hộ sẽ làm “thương hiệu” đi xuống. Đặc biệt là các dự án đã bán giai đoạn 1 với giá cao ngất ngưởng, nếu giai đoạn 2 bán giá thấp hơn thì sẽ “xử lý” ra sao với “mất mát” của khách hàng cũ. Trong khi đó, phần lớn các DN xây lắp và chủ thầu xây dựng đang tiếp tục đối mặt rủi ro về dòng tiền, tiến độ thanh toán...

Thừa nhận điều này, ông Phạm Thành Hưng, Phó chủ tịch CEN Group cho rằng, mỗi một dự án sẽ có nhiều chủ thầu khác nhau, nếu các đơn vị không phát triển đồng bộ và năng lực tài chính không cân bằng thì dự án chậm trễ, kéo dài, chi phí tăng cao khiến cho giá cả khó giảm thêm. Một phân tích của Công ty Rồng Việt cho rằng, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các DN xây dựng khá đảm bảo, nhưng khả năng thu tiền của các DN xây dựng vẫn chưa thể cải thiện trong năm nay. Do cạnh tranh nên biên lợi nhuận cho các DN xây dựng dân dụng có thể vẫn duy trì ở mức thấp.

Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức chia sẻ, đầu tư BĐS đòi hỏi vốn lớn nên NĐT phải cân nhắc rất nhiều yếu tố: thanh khoản của sản phẩm, pháp lý và những tác động của chính sách thuế, vốn vay... NĐT phải tính toán từ 3-5 năm, thậm chí 10 năm. Các chủ đầu tư nhìn thấy tốc độ phát triển dân số nhanh gắn liền với nhu cầu sở hữu nhà, nên bán rẻ BĐS sẽ khó xảy ra.

TS. Lê Xuân Nghĩa thì cho rằng, giá BĐS trong nước không cao hơn các nước trong khu vực nhưng thu nhập của họ cao hơn. Muốn BĐS giảm giá thì phải có chính sách lâu dài cho các DN BĐS có niềm tin. Nếu không, nền kinh tế sẽ quay lại đường cũ, đầu cơ bằng tài chính và BĐS thì người dân không thể nào hưởng lợi về giá.

Các chuyên gia quốc tế cũng có chung nhận định, giảm giá BĐS ở Việt Nam không dễ, ngoại trừ những NĐT thứ cấp hầu như trắng tay sau đợt khủng hoảng phải bán rẻ để trả nợ.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời Báo Ngân hàng