Giảm 80% giá nhà tái định cư, liệu người dân ven kênh rạch có hài lòng?

Cập nhật 17/10/2015 07:39

Tại quận Bình Thạnh, hiện còn khoảng 3.000 hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ xuống cấp, không đảm bảo an toàn, khoảng 2.500 hộ dân sống trên và ven kênh rạch. Giải tỏa, đền bù là một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay của quận Bình Thạnh.

Khó trong thoả thuận đền bù

Một trong những giải pháp được đưa ra hiện nay là khuyến khích người dân nhận căn hộ tái định cư thay vì nhận tiền bồi thường. Cụ thể nếu hộ dân đồng ý nhận căn hộ thì hỗ trợ giảm giá căn hộ tái định cư bằng cách giảm không kinh doanh hoặc 80% giá thị trường; trường hợp chi phí hỗ trợ, bồi thường không đủ để mua căn hộ tái định cư thì cho phép trả góp, trả chậm.

Đó là giải pháp mà bà Nguyễn Thị Thu Hà, bí thư quận uỷ quận Bình Thạnh đề xuất lên quận Bình Thạnh trong bài tham luận “Giải pháp chỉnh trang, nâng cấp đô thị hiện hữu, tổ chức lại đời sống dân cư” tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần X.

Theo đó, khó khăn trước hết là giải pháp về nguồn vốn đầu tư. Để di dời hàng ngàn hộ dân nêu trên thì phần lớn phải dùng nguồn vốn từ ngân sách thực hiện. Do đó, áp lực nguồn vốn để bố trí thực hiện dự án là rất lớn, bởi nó bao gồm chi phí bồi thường, chi phí chuẩn bị quỹ nhà tái định cư…. Vì vậy ngoài việc bố trí ngân sách thực hiện thì phải có kế hoạch thực hiện vay vốn ODA, cũng như có kế hoạch mời gọi thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP (Public – Private Partner).

Một khó khăn nữa được nêu trong tham luận là chính sách bồi thường chưa thoả đáng. Phần lớn các hộ dân sống trên và ven kênh rạch chưa có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ. Mà theo quy định bồi thường hiện nay thì giá trị được bồi thường, hỗ trợ rất thấp nên người dân rất khó đồng thuận để thực hiện di dời.

Và nếu có đồng ý di dời thì người dân cũng khó có đủ tiền mua nhà mới hoặc không đồng ý mua căn nhà tái định cư vì căn hộ tái định cư được định giá theo giá thị trường. Điều này cũng dẫn đến số lượng căn hộ tái định cư tồn đọng

Nhà ven kênh tại Thanh Đa. Ảnh: SGTVT

Thu hút nhà đầu tư xây dựng lại chưng cư xuống cấp

Tại quận Bình Thạnh, hiện còn khoảng 3.000 hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Trong 1 năm qua, quận Bình Thạnh đã di dời 300 hộ dân tại chung cư hư hỏng lô 4, lô 6 Thanh Đa. Hiện vẫn còn 11 hộ dân sinh sống tại 2 chung cư này.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Đại hội, về việc làm thế nào để thu hút nhà đầu tư xây dựng, cải tạo chung cư xuống cấp, bà Nguyễn Thị Thu Hà, bí thư quận uỷ quận Bình Thạnh cho biết: “Thu hút nhà đầu tư bằng nhiều cơ chế trong thẩm quyền quận Bình Thạnh giải quyết được như tăng chỉ tiêu dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng để nhà đầu tư góp phần xây dựng lại những chung cư hư hỏng, xuống cấp nặng” .
 

Giải thích lý do chậm di dời, chị N.T là một trong những người dân tại lô 4, chung cư Thanh Đa nói rằng: “Chúng tôi cần đưa ra các phương án đền bù rõ ràng, hoặc xây dựng, sửa chữa để người dân chọn lựa phương án”.

Theo bà Hà, thành phố nên ban hành các quy định cụ thể để hỗ trợ cho nhà đầu tư khi tham gia xây dựng các chung cư xuống cấp như tăng hệ số sử dụng đất, tầng cao, chỉ tiêu dân số, ưu đãi cho vay vốn, chính sách thuế.

Quận Bình Thạnh nằm ở vị trí cửa ngõ Đông Bắc, là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài. Ngoài ra có hệ thống sông Sài Gòn bao quanh phía Đông Bắc với tổng chiều dài khoảng 17,5km. Cùng với đó là các tuyến kênh rạch: Thị Nghè, Cầu Bông, Văn Thánh, Thanh Đa, Thủ Tắc... thuận lợi cho việc phát triển giao thông thủy. Với những đặc điểm này, công tác chỉnh trang đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là yêu cầu cấp thiết.

Tuy nhiên, vấn đề chỉnh trang, phát triển kết cấu hạ tầng như thế nào vẫn đang là bài toán khó cho chính quyền quận Bình Thạnh.



DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế giới