Việc các ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay BĐS gần đây đã làm không ít DN rơi vào cảnh khó khăn. Thế nhưng trong “cái khó, ló cái khôn”, một số doanh nghiệp đã tìm đường sống cho mình bằng cách đẩy mạnh việc chứng chỉ hoá BĐS (hay phát hành trái phiếu).
Có thể kể đến trường hợp của chủ đầu tư dự án Phú Lợi (Q 8, TP.HCM). Thay vì ngồi đợi các khoản vay của ngân hàng, chủ đầu tư này đã mạnh dạn phát hành trái phiếu để “giải tỏa” cơn khát vốn.
Đại diện của chủ đầu tư này cho biết, mỗi trái phiếu trị giá 500 triệu đồng, sau 4 tháng chia cổ tức, dự án hoàn thành xong phần móng khách hàng sẽ được quyền mua căn hộ với mức giá giảm 5% tổng giá trị.
Một dự án khác của một công ty BĐS ở quận 7 thông báo sẽ bán trái phiếu góp vốn cho dự án (1,5 tỷ đồng/trái phiếu) với lãi suất 1%/tháng. Trước đó, Công ty cổ phần Vincom cũng đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp huy động vốn cho dự án khu đất vàng ở quận 1, TP.HCM. Công ty cổ phần đầu tư Masan phát hành thành công 720 tỷ đồng trái phiếu để phát triển một dự án BĐS cao cấp trên đường Trần Hưng Đạo, TP.HCM.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, phát hành trái phiếu hay chứng chỉ hóa BĐS là cách đã được nhiều quốc gia ở Châu Á thực hiện từ lâu. Ông Châu đưa ra trường hợp của Singapore với nhà đầu tư địa ốc danh tiếng CapitaLand (phát triển dự án The Vista ở Việt Nam).
Tập đoàn này vừa liên kết với tập đoàn Lippo tung ra lượng trái phiếu trị giá 342 triệu USD cho hai dự án chung cư. Đây là lần thứ năm, CapitalLand mở rộng dòng vốn bằng cách phát phát hành trái phiếu căn hộ.
Tại hội thảo bàn tròn mới đây do Thời báo Kinh tế Sài Gòn và CLB doanh nghiệp địa ốc (thuộc Saigon Times Club) phối hợp tổ chức, ông Vũ Công Chính, Chuyên gia tư vấn chứng khoán thuộc Công ty chứng khoán ACB, cho rằng, trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn về các khoản vay tín dụng BĐS thì phát hành trái phiếu có thể xem là một kênh huy động vốn nhanh và hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Ông Chính nêu ra một số ưu điểm của kênh huy động vốn này như : Có thể huy động vốn dài hạn từ nhiều đối tượng khác nhau như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, tập đoàn tài chính... Áp dụng lãi suất linh hoạt (thậm chí thấp hơn lãi suất ngân hàng), linh động trong việc trả lãi và gốc.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể chủ động hơn trong việc quản trị tài chính bằng cách thực hiện việc mua đi bán lại trái phiếu của chính mình trên thị trường.
Một yếu tố khác phải kể đến là việc ra đời của các quỹ đầu tư tín thác BĐS. TS Trần Du Lịch,Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM trước đây từng bày tỏ nổi bức xúc của mình về việc Việt Nam thiếu các quỹ đầu tư tín thác BĐS trong khi các nước ở Đông Nam Á đã phát triển rất mạnh quỹ này từ thập niên 90.
“Tính cơ động và mềm dẻo của quỹ này cùng với khả năng thu hút vốn nhanh từ doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các cá nhân... có thể giúp các DN BDS giải nhanh bài toán khát vốn địa ốc”, ông Lịch nói.
Còn theo chuyên gia tài chính Huy Nam, cơn sốt khát vốn ngân hàng vừa qua cho thấy các công cụ hỗ trợ thị trường BĐS của Việt Nam còn rất yếu kém nếu không muốn nói là không có gì. Ông Nam nói nếu Chính phủ sớm thúc đẩy việc thành lập các quỹ đầu tư tín thác BĐS thì khi gặp các sự cố trên thị trường tài chính các DN BĐS đã không “chết đứng” hay “lúng ta, lúng túng”đi tìm nguồn vốn cho mình!