Giải quyết vốn cho các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách: Tập trung xã hội hóa đầu tư

Cập nhật 10/06/2009 10:55

Ngay sau khi Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài “Các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách: Thiếu vốn trầm trọng”, đã có rất nhiều ý kiến đặt vấn đề: Tại sao ngành giao thông vận tải không đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các công trình giao thông, để giải quyết vấn đề thiếu vốn? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Quang Phượng (ảnh), Giám đốc Sở GTVT TPHCM.

Cần hàng ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng công trình giao thông

* Thưa ông, chính xác hiện nay TPHCM cần bao nhiêu tiền để đầu tư xây dựng ngay các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách?

- GĐ Trần Quang Phượng: Trước mắt, Sở GTVT cần khoảng 200 tỷ đồng cho việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư tiếp tục 37 công trình giao thông trọng điểm, cấp bách (trong số 37 công trình này có một số là công trình đầu tư chuyển tiếp). Thế nhưng, khi cả 37 công trình được triển khai xây dựng thì ngành giao thông vận tải cần đến hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện. Tất nhiên, nếu để hoàn thiện toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố, giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông thì ngành giao thông còn cần đến rất nhiều ngàn tỷ đồng nữa.

* Với một số tiền lớn như vậy, tại sao Sở GTVT không sử dụng phương án xã hội hóa đầu tư, nhất là khi đã được Chính phủ và UBND TPHCM “bật đèn xanh”?

- Chủ trương xã hội hóa đầu tư đã được Sở GTVT triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Trên trang web của sở luôn công bố công khai các công trình kêu gọi đầu tư nhưng tiếc là… không có nhiều nhà đầu tư “mặn mà” với việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Các bạn có thể thấy danh mục kêu gọi đầu tư của sở trên trang web này rất dài, nào là kêu gọi đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm, hệ thống đường trên cao, các đường vành đai 2, 3 và 4…

Vốn cho công trình giao thông quá cao, vượt quá khả năng của nhiều nhà đầu tư

* Phải chăng do thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản của ngành còn rườm rà nên các nhà đầu tư ngại ngần?

- Trong khả năng của mình, Sở GTVT luôn tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình giao thông. Đây cũng là chủ trương lớn của Chính phủ và thành phố. Theo tôi, cản ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư trong hoạt động này chính là vốn cho xây dựng các công trình giao thông quá lớn, vượt quá khả năng của họ. Một con đường trên cao trị giá khoảng 5.000-7.000 tỷ đồng. Một cây cầu lớn trị giá hơn 2.000 tỷ đồng… Hầu hết các nhà đầu tư trong nước đều không kham nổi. Lãnh đạo thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, song vì khủng khoảng kinh tế toàn cầu nên cũng ít nhà đầu tư nước ngoài mặn mà với đề nghị này.

* Trong danh mục 37 công trình giao thông trọng điểm, cấp bách cần đầu tư ngay của sở, có không ít công trình trị giá chỉ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Tại sao các nhà đầu tư vẫn ít tham gia?

- Lại có một trở ngại khác, là khả năng thu hồi vốn rất khó. Công trình xây dựng hầm chui trên xa lộ Trường Sơn, trước Khu chế xuất Linh Trung 1 của Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, trị giá chỉ vài chục tỷ đồng nhưng đây là công trình đảm bảo an toàn giao thông cho các công nhân của Khu chế xuất Linh Trung 1 khi qua xa lộ Trường Sơn. Vận động được công nhân qua đường bằng hầm chui đã khó thì làm sao thu phí được? Hay như đường Bến Vân Đồn cũng đang rất cần được cải tạo để đồng bộ với cầu Nguyễn Văn Cừ nhưng cũng không thể kêu gọi xã hội hóa vì ở đây mạng lưới giao thông chằng chịt, không thể tổ chức thu phí hoàn vốn.

* Chỉ với việc xây dựng 37 công trình mà sở đã gặp rất nhiều khó khăn về vốn như vậy thì với hàng trăm công trình khác cần phải xây dựng từ nay đến 2020 để hoàn thiện hệ thống giao thông thành phố thì sở có hướng gì để giải quyết?

- Chúng tôi vẫn phải tập trung xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Ngoài các hình thức đầu tư quen thuộc như BOT (xây dựng-thu hồi vốn-chuyển giao lại cho Nhà nước), BT (xây dựng-chuyển giao lại cho Nhà nước), BOO (xây dựng-thu hồi vốn-doanh nghiệp tiếp tục điều hành)… sở sẽ nghiên cứu và cam kết lắng nghe các chủ đầu tư đề xuất thêm các hình thức đầu tư mới để giải quyết vấn đề thiếu vốn cho các công trình giao thông.

Ông Đặng Văn Khoa, Đại biểu HĐND TPHCM: Nên tập trung vốn cho các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách

Năm nào cũng thế, vào thời điểm cuối năm, bao giờ HĐND TPHCM cũng họp nghe UBND TPHCM báo cáo quyết toán thu chi trong năm và trình bày dự toán cho năm tới. Những công việc này luôn được làm rất cẩn trọng, tỉ mỉ, xem xét vốn của từng công trình. Chính vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi biết nhiều công trình giao thông trọng điểm bị thiếu vốn. Đây là điều khó chấp nhận vì dự toán thu chi ngân sách đã được xây dựng từ sự cân đối ngân sách chung của thành phố.

Công trình giao thông trọng điểm nói riêng và các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm khác nói chung mà thiếu vốn sẽ buộc phải kéo dài tiến độ, gây lãng phí và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

Theo tôi, không thể để tình trạng này kéo dài. Nếu vì một lý do nào đó mà thành phố không thể cân đối ngân sách như dự toán trước đây hoặc không thể cân đối ngân sách theo nhu cầu (mới phát sinh) thì nên tập trung vốn cho những công trình trọng điểm, có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Ngược lại, nên tạm gác lại những công trình xây dựng văn phòng, trụ sở… Tôi được biết, trong danh mục đầu tư năm 2009 có không ít công trình xây dựng văn phòng, tường rào, cổng, nhà bảo vệ… của một số cơ quan. Nên chuyển số vốn ấy cho các công trình trọng điểm.

Cầu Phú Long có nguy cơ tạm ngưng thi công vì thiếu vốn

Công trình xây dựng cầu Phú Long nằm trên trục giao thông chính nối quận 12 của TPHCM với tỉnh Bình Dương đang có nguy cơ phải tạm ngưng thi công vì thiếu vốn. Theo ông Trần Văn Duy Tường, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 - chủ đầu tư dự án, tổng vốn đầu tư của công trình gần 700 tỷ đồng, nhưng trong 2 năm 2008 và 2009 công trình mới được cấp 50 tỷ đồng. Hiện nay, các nhà thầu đã sử dụng hết số tiền này và nếu trong tháng 6-2009 thành phố không chi thêm tiền thì có nhiều khả năng nhà thầu sẽ tạm ngưng thi công hoặc kéo dãn tiến độ thi công công trình.

Được biết, cầu Phú Long hiện hữu chỉ có trọng tải 1 tấn và đã xuống cấp trầm trọng. Chính vì vậy, TPHCM đã quyết định xây một cầu Phú Long mới nằm cách cầu cũ khoảng 700m về phía hạ lưu. Công trình đã được khởi công từ năm 2008 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu vốn và cũng do phía quận 12 chưa giải phóng xong mặt bằng thi công nên công trình có nhiều khả năng không hoàn thành đúng tiến độ. Riêng tỉnh Bình Dương, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng như kế hoạch.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng