Giải quyết triệt để những bất cập trong phát triển nhà ở

Cập nhật 26/10/2011 13:40

Bộ Xây dựng vừa hoàn thiện và có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2020 cơ bản đáp ứng nhu cầu có chỗ ở phù hợp của nhân dân và từng bước nâng cao chất lượng nhà ở, tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng CNH,HĐH.

Mô hình phát triển nhà ở tại khu vực đô thị và nông thôn ngày càng được cải thiện. Ảnh: Vũ Anh

Từng bước nâng cao chất lượng

Phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được cho thấy, 10 năm vừa qua, mô hình phát triển nhà ở tại khu vực đô thị và nông thôn ngày càng được cải thiện. Nhiều dự án KĐTM, khu nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, khang trang, hiện đại... góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị. Hệ thống tài chính nhà ở từng bước được hình thành, các chương trình cho vay xây dựng nhà ở của các ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện để các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu được tiếp cận với các nguồn vốn vay xây dựng và mua bán nhà ở...

Tuy nhiên, công tác phát triển và quản lý nhà ở vẫn còn tồn tại một số bất cập.

Xác định rõ trách nhiệm của chủ thể

Trong dự thảo chiến lược, Bộ Xây dựng đã xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình tham gia phát triển nhà ở. Trong đó, Nhà nước có trách nhiệm tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đồng bộ các cơ chế, chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính và khoa học công nghệ, xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm để huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và chủ động triển khai các chương trình phát triển nhà ở phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị; chú trọng hoàn thiện chính sách và tổ chức triển khai chương trình phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN; tiếp tục triển khai chương trình phát triển nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; thực hiện hỗ trợ các hộ nghèo khu vực nông thôn cải thiện nhà ở; hỗ trợ nâng cao điều kiện an toàn về chỗ ở cho đồng bào sinh sống tại khu vực thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt, đáp ứng khả năng ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng về chỗ ở và điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, Chiến lược hành động hướng tới mục tiêu mỗi năm đầu tư xây dựng mới khoảng 100 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó tối thiểu khoảng 20% diện tích sàn trong các dự án phát triển nhà ở đô thị được dành cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo; chú trọng tăng tỷ trọng nhà ở chung cư, nhà ở dành để cho thuê theo hướng vừa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, đồng thời Nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở để cho thuê. Các chỉ tiêu phát triển nhà ở nói chung và chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cho từng nhóm đối tượng cụ thể nói riêng cần phải được đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn để tổ chức triển khai và là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

Nhiệm vụ và giải pháp

Theo Bộ Xây dựng, để thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở trong giai đoạn sắp tới cần phải làm tốt một số nhiệm vụ: Thứ nhất, Nhà nước cần tạo điều kiện để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở thương mại để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả. Thứ hai, Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở phi hàng hóa để giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường. Thứ ba, tiếp tục thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, trong dự thảo Chiến lược, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất 8 giải pháp cụ thể để thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở trong giai đoạn sắp tới.

Cùng với quá trình đô thị hóa thì sự phát triển của thị trường BĐS nói chung và thị trường nhà ở, đất ở nói riêng đang là những thách thức không nhỏ. Dự thảo Chiến lược Nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Xây dựng hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo được niềm tin trong nhân dân. Mặt khác, đây còn là cơ sở pháp lý để Nhà nước có các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực nhà ở, tạo điều kiện để mọi người dân có thể tạo lập chỗ ở phù hợp và ổn định, góp phần vào công cuộc HĐH đất nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng