Giải quyết tình trạng "nhà ở xã hội giá cao ngất ngưởng"

Cập nhật 05/02/2013 08:12

Nhà ở xã hội lên tới 1 tỷ đồng, nếu phải đi vay tiền lãi suất phải trả lên tới 100 triệu đồng/năm. Người thu nhập thấp mà phải trả số tiền cao như vậy là không thể. Thừa nhận ý kiến này là đúng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ Xây dựng đang cố gắng để nhà ở xã hội có mức tiền dưới 500 triệu đồng tại Hà Nội và TP HCM.

Trước tình trạng BĐS đóng băng, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế của đất nước, ngày 24/1, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức phiên họp với chủ đề “Thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội”. Tới dự có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Văn Giầu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; các thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội và lãnh đạo bộ, ngành chức năng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải trình trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản. Tại cuộc họp, các chuyên gia đóng góp nhiều ý kiến làm “tan băng” thị trường bất động sản, ổn định kinh tế vĩ mô.

Cần kíp hoàn thiện thể chế

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng công bố số liệu báo cáo tổng hợp từ 50 tỉnh, thành về con số tồn kho bất động sản (BĐS): 42.230 căn nhà, 98.407m2 sàn văn phòng cho thuê, 7.922.485m2 đất nền nhà ở… Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng. Thị trường BĐS đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, thu ngân sách Nhà nước, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng… Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng BĐS đến hết tháng 10/2012 lên tới 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng nguyên nhân là do bất cập của thể chế: Hiện chúng ta đã có nhiều luật, nhưng Luật Nhà ở không đề cập đến vấn đề trách nhiệm của Nhà nước, không giao cho các địa phương phải làm, chưa yêu cầu, quy định cụ thể các bộ, ngành Trung ương phải kiểm soát theo quy định, thiếu quy định rõ trong quy hoạch và kiểm soát BĐS.

Thị trường BĐS phát triển thiếu cân đối...

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra 8 giải pháp phá băng thị trường BĐS gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu; tín dụng và giải quyết nợ xấu; chính sách tài khóa và thuế; các doanh nghiệp BĐS cần chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thông tin tuyên truyền khách quan, đúng thực tế để tạo đồng thuận và ổn định tâm lý của các tổ chức kinh tế, người dân; các địa phương tăng cường quản lý thị trường bất động sản.

Trong 8 giải pháp trên, giải pháp điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu cụ thể như sau: Rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án phát triển nhà ở, bất động sản và xử lý theo hướng dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương…

Đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn thì tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở tồn kho không bán được sang các công trình dịch vụ đang có nhu cầu và phù hợp quy hoạch như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại. Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động…

Thay đổi chính sách thu thuế đất, giá nhà ở xã hội dưới 500 triệu đồng

Bàn về giải pháp trên, Đại biểu Trần Du Lịch ví, “nhà ở hiện nay như máy bay, hạng thương gia thì nhiều mà hạng phổ thông thì ít”. Đó là lý do khiến nhà ở tồn đọng nhiều nhưng nhiều người lại không có nhà để ở. Đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội đặt câu hỏi: “Chung cư cao tầng chất chồng như núi. Các giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra có tính tới cứu cánh cho doanh nghiệp, người dân, nhà đầu cơ hay không? Giải pháp chia nhỏ căn hộ chung có trái với chủ trương xây dựng đô thị khang trang, hiện đại? Và liệu có tạo ra những khu ổ chuột mới không?”.


...dẫn đến nghịch lý tồn kho căn hộ trong khi người thu nhập thấp thiếu nhà ở.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội hiến kế cần thay đổi chính sách thu thuế đất chứ không phải là tiền sử dụng đất như hiện nay, giá nhà sẽ hạ. Nếu điều chỉnh theo hướng này thì sẽ kích thích dự án mới đi vào phân khúc trung bình, kéo theo các dự án cũ sẽ hạ giá xuống. Về ý kiến trên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời rằng Bộ Xây dựng cũng đang tính đến chính sách thay tiền sử dụng đất bằng thuế đất, chính sách này phù hợp, việc thu ngân sách cũng bền vững hơn.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm ví, “BĐS hiện nay như một cục máu đông. Nếu phá đông mà mạch máu chưa thông, thành mạch xơ vữa thì cục máu chưa kịp tan sẽ đọng lại”. Bởi vậy, phải có cách quản lý để chặn nạn đầu cơ, nâng giá BĐS như thời gian vừa qua.

Về vấn đề giá nhà cho người thu nhập thấp, đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nhà ở xã hội lên tới 1 tỷ đồng thì người thu nhập thấp không thể đáp ứng được. Nếu phải đi vay tiền lãi suất phải trả lên tới 100 triệu đồng/năm. Người thu nhập thấp mà phải trả số tiền cao như vậy là không thể. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận ý kiến này là đúng và cho biết Bộ Xây dựng đang cố gắng để nhà ở xã hội có mức tiền dưới 500 triệu đồng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ông cũng lấy ví dụ ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã xây dựng nhà ở xã hội diện tích 36m2 có giá khoảng 100 triệu đồng.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao phiên giải trình và chỉ đạo các cơ quan đánh giá đúng thực trạng, đưa ra giải pháp giải quyết tình hình thị trường bất động sản hiện nay, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng mong muốn đa số người dân mua và được thuê nhà, đảm bảo an sinh xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo CAND