Giải quyết thấu đáo - không dễ!

Cập nhật 08/12/2009 12:50

Phố Hàng Đường - một trong những khu phố cổ ở Hà Nội - Ảnh: Giang Huy

Để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử, du lịch... của khu phố cổ Hà Nội, một ban quản lý phố cổ đã được lập ra hàng chục năm nay. Một phương án dãn dân phố cổ cũng đã ra đời cách nay cả chục năm. Vậy mà đến thời điểm này, phương án vẫn chỉ là... phương án!

Có quá nhiều lý do khiến cả chính quyền lẫn người dân đều lúng túng, trong khi khu phố cổ Hà Nội hàng ngày vẫn phải đối mặt với sự quá tải trước cuộc sống hiện đại. Bởi thế, dãn dân là việc không thể không làm, nhưng giải quyết bài toán này một cách thấu đáo quả không hề dễ dàng.

Dự kiến cuối năm 2010 sẽ xây khu tái định cư

Ông Hoàng Công Khôi - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng ban phố cổ cho biết: Nếu như với phố cổ Hội An, từ chính quyền cho đến người dân đều hiểu làm du lịch là vấn đề sống còn với họ. Mà du khách đến với Hội An là đến với phố cổ. Vì vậy người dân rất biết, rất đồng tình và thấy cần phải tôn tạo, bảo tồn phố cổ.

Ngược lại, với Hà Nội đa số người dân phố cổ mưu sinh chủ yếu bằng kinh doanh thương mại, dịch vụ nên với họ, có hay không duy trì, tôn tạo phố cổ không quan trọng lắm. Đó là cái khó trong việc vận động để tôn tạo, duy trì phố cổ cho đúng là phố cổ Hà Nội.

Theo điều tra, khảo sát của Ban phố cổ, các di tích đình, đền, di tích lịch sử là một trong số các giá trị vật thể không thể thiếu để tạo nên không gian văn hoá đặc trưng Hà Nội nhưng chúng đang xuống cấp trầm trọng, trong khi khả năng đầu tư tôn tạo để chống xuống cấp, bảo tồn các di tích này còn rất hạn chế. Tình trạng xuống cấp và mất dần giá trị của các công trình nhà cửa trên phố cổ đang rất đáng báo động.

Trong khi đó, theo khảo sát của Ban phố cổ, trong phố cổ có 172 điểm di tích (gồm cả phế tích) thì có đến 133 điểm có dân sinh sống lẫn với tổng số 593 hộ, trong đó có 170 hộ đồng ý di chuyển. Với trường học, trong khu phố cổ này có 47 trường nằm trên 87 điểm thì có 13 điểm xen lẫn dân cư với tổng số 39 hộ nhưng chỉ có 2 hộ đồng ý di chuyển.

Ngoài ra còn 72 hộ dân sống trong 10/87 điểm của công sở và có 24 hộ đồng ý đi khỏi nơi cư trú. Tất cả những trường hợp này đều thuộc diện phải di dời trong đợt 1 và thực hiện theo chế độ giải phóng mặt bằng. Ngoài ra cũng còn 109 hộ ở công trình thuộc diện nguy hiểm nghiêm trọng cần phải di dời trong đợt đầu này.

Trong đợt đầu, theo tính toán của Ban phố cổ, ngoài diện nằm trong các di tích, công sở, trường học và những căn hộ nguy hiểm cần phải di dời cộng với khoảng 1.600 hộ muốn về nơi ở mới, tổng cộng khoảng 2.000 hộ. Với quỹ đất (11,12ha ở khu đô thị mới Việt Hưng) hiện quận Hoàn Kiếm đang có, thì sẽ đáp ứng tạm đủ, nhưng với điều kiện như đề nghị của quận Hoàn Kiếm: Khu đất này chỉ xây nhà chung cư và khu thương mại mà không xây các biệt thự, nhà thông tầng.

Ông Khôi cũng cho biết, nhằm đảm bảo mưu sinh cho các hộ dãn dân sống bằng thương mại, quận sẽ cho xây dựng các khu thương mại.

Theo ông Khôi, dự kiến đến quý IV/2010 sẽ khởi công xây dựng khu nhà tái định cư ở khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên.
 

Người dân phố cổ hàng ngày vẫn mưu sinh bằng quán nước nhỏ.


Vì kinh tế, nhiều người không muốn đi

Căn nhà số 100 trên phố Hàng Bạc thuộc phường Hàng Đào khá lụp xụp đang có 3 hộ với 20 nhân khẩu trong diện tích khoảng 100m2. Những bức tường bong tróc, ẩm thấp và mối mọt đã khiến nóc của ngôi nhà bị gãy cong nhiều chỗ.

Tuy nhiên người cao tuổi nhất khu nhà trả lời: "Tu bổ rồi cho ở lại thì đồng ý, còn dãn dân chuyển đi đâu đó thì chúng tôi không muốn đi. Hương hoả ở đây, gia đình đã mấy đời sinh sống, một bước chân ra phố, ở nơi mới có rộng rãi hơn thì cũng vẫn phải lên tầng cao".

Tại căn nhà số 36 Hàng Đường, toàn bộ căn nhà là nơi trú ngụ của các thế hệ trong gia đình. Lối vào chỉ rộng chừng 60cm sâu hun hút, đi giữa ban ngày mà cứ ngỡ như ban đêm. Chật hẹp là vậy, nhưng trước dự án dãn dân, bà chủ nhà trả lời chúng tôi là dù 10 người sống trên 1m2 cũng không đi vì sống quen rồi, buôn bán kiếm ăn cũng dễ. Bà cũng đề nghị, nếu phải đi cần đền bù gấp 3 lần so với nơi khác.

Vẫn là lý do kinh tế, bà Nguyễn Thị Kim Dung (chủ nhà số 13 Hàng Đào) cho biết: "Tối đến tôi mang mẹt ra vỉa hè bán cũng kiếm được mấy chục nghìn, có thể sống được trong ngày, sang nơi mới có khang trang hơn nhưng không có đồng nào thì đi làm gì".

Tại căn nhà 90B Hàng Đào có tới 5 hộ gia đình, 30 khẩu, chị Phạm Thị Hằng Nga - người đại điện khu nhà - nói: "Bao giờ chúng tôi cũng thích ở phố cổ hơn cho dù chật chội vì buôn bán dễ dàng. Nếu Nhà nước bắt chúng tôi phải đi, thì phải được sự thỏa thuận của đôi bên, đền bù phải hợp lý".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Thủy - Chủ tịch phường Hàng Đào - cho biết : "Theo sự hướng dẫn của quận, chúng tôi đã tiến hành di dời được 13 hộ dân tại khu di tích chùa Cầu Đông, đình Đức Môn đi đến nơi ở mới. Tuy nhiên còn có khá nhiều người dân ở nơi khác trong phường không chịu đi với lý do ở đây người ta có thể đảm bảo được cuộc sống, còn đi nơi mới thì chưa biết thế nào nên họ cũng có phần e ngại".


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động